Nghỉ ngang người lao động có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Hiện nay, theo Bộ luật Lao động 2019 thì không có quy cụ thể về nghỉ việc ngang. Tuy nhiên, ta có thể hiểu nghỉ ngang là cách gọi khác của trường hợp người lao động nghỉ trái pháp luật. Vậy khi nào người lao động nghỉ trái pháp luật?
lao-dong-477-1705937123.jpg

1.Người lao động được xem là nghỉ ngang khi nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động.

Do đó, khi người lao động nghỉ ngang mà không thuộc 13 trường hợp được quy định tại Điều 34 Bộ luật Lao động 2019; hoặc vì một lý do nào đó mà nghỉ việc nhưng không tiến hành thông báo cho người sử dụng lao động biết trước hoặc có báo trước nhưng không đáp ứng đủ số ngày báo trước theo luật định thì sẽ thuộc những trường hợp chấm dứt hợp đồng trái luật.

Khi đó, trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ bị xem là nghỉ ngang.

2.Người lao động nghỉ ngang có lấy được bảo hiểm thất nghiệp không?

Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định như sau:

Điều kiện hưởng:

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Như vậy, khi người lao động đáp ứng đủ các điều kiện trên thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo đó, khi không đáp ứng được các điều kiện trên thì người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp người lao động nghỉ ngang, hay nói cách khác là người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp vì vi phạm điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 49 Luật Việc làm 2013.