Văn học - Gương soi cuộc sống

Hành trình song hành giữa văn học và cuộc sống

Từ thời cổ đại, ngay khi văn học bắt đầu hình thành, người ta đã nhận ra rằng văn học phải phản ánh đời sống xã hội. Điều này được thể hiện qua "thuyết mô phỏng" kinh điển. Ban đầu, mô phỏng (imitation) ám chỉ các điệu múa của thầy mo trong các lễ nghi, sau đó thuật ngữ này chuyển từ lĩnh vực tế lễ sang lĩnh vực triết học, biểu thị việc tái tạo hoặc phục dựng thế giới bên ngoài. "Thuyết mô phỏng" nhấn mạnh rằng đời sống là nền tảng của sáng tác nghệ thuật. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Hêraclit cho rằng đặc điểm của nghệ thuật nằm ở sự hài hòa, và sự hài hòa này "hiển nhiên là do mô phỏng tự nhiên". Đêmocrit cũng coi mô phỏng là nguồn gốc của nghệ thuật; ông nói: "Trong nhiều việc quan trọng, chúng ta mô phỏng loài động vật, học từ chúng như đồ đệ. Từ con nhện, chúng ta học cách xe chỉ luồn kim; từ chim yến, chúng ta học cách làm nhà; từ các loài chim biết hót như thiên nga và vàng anh, chúng ta học cách ca hát".

moi-quan-he-giua-hien-thuc-va-do-1719919072.jpg

Những quan điểm đơn giản và phiến diện về mô phỏng này đã được diễn giải tường tận và hệ thống hơn trong "Thi học" của Aristotle. Aristotle cho rằng mô phỏng là bản chất của nghệ thuật, tất cả các nghệ thuật đều là sản phẩm của sự mô phỏng, và nhấn mạnh rằng mỗi nghệ thuật có những đặc điểm riêng về đối tượng, phương thức và phương tiện mô phỏng. Ông nói: "Việc biên soạn sử thi, sáng tác bi kịch, hài kịch cùng với phần lớn âm nhạc, tóm lại tất cả đều là mô phỏng. Sự khác biệt giữa chúng nằm ở ba điểm: phương tiện, đối tượng và phương thức mô phỏng". Aristotle cho rằng đối tượng mô phỏng của sử thi và kịch là con người, là "hành động và cuộc sống" của con người. So với thuyết mô phỏng tự nhiên của người thời trước, ông chú ý hơn tới mối quan hệ giữa văn học và đời sống xã hội. Mô phỏng theo Aristotle không chỉ là sự miêu tả trực tiếp đời sống hiện thực mà còn bao gồm cả những sự việc có thể xảy ra. Ông nói: "Yêu cầu của thơ là một sự việc không thể xảy ra nhưng có thể tin được thì còn chấp nhận được hơn một sự việc có thể xảy ra nhưng không thể tin được". Từ đó, ta thấy rằng mô phỏng theo Aristotle chính là mối quan hệ cơ bản giữa nghệ thuật và đời sống, và ông không loại trừ vai trò của tưởng tượng và hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật.

Grandi sau này khẳng định: "Không có nghệ thuật nào là không hiện thực". Cuộc sống là điểm khởi đầu và đích đến của văn chương. Văn học gắn chặt với hiện thực cuộc sống và lấy cảm hứng từ nguồn sống dồi dào đó. Hiện thực xã hội là mảnh đất nuôi dưỡng văn chương, tạo nên tính chân thực, tự nhiên, đúng đắn và thực tế cho tác phẩm văn học. Một tác phẩm có giá trị hiện thực luôn giúp người đọc nhận thức được tính quy luật của hiện thực và chân lý đời sống. Những tác phẩm kinh điển luôn chở theo tư tưởng lớn của thời đại trên đôi cánh của hiện thực cuộc sống.

Lê Quý Đôn từng nói: "Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được", khẳng định vai trò của hiện thực cuộc sống đối với thơ và văn học. Nếu văn chương tách rời khỏi dòng chảy cuộc đời, nó sẽ không thể đạt tới giá trị đích thực, không còn là nghệ thuật vị nhân sinh. Chế Lan Viên đã từng thấm thía vấn đề này:

“Tôi đóng cửa phòng văn hì hục viết
Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày”

Văn chương của người nghệ sĩ sẽ ra sao nếu nó không mang dáng dấp cuộc đời? Có chăng chỉ là những dòng chữ rời rạc, bị bẻ vụn. Tuy nhiên, không phải ngòi bút của người nghệ sĩ chỉ phản ánh mọi biến đổi, sự việc của nhân tình thế thái vào tác phẩm thì tác phẩm sẽ trở thành kiệt tác. Theo Tề Bạch Thạch: "Nghệ thuật vừa giống vừa không giống với cuộc đời. Nếu hoàn toàn giống cuộc đời thì đó là nghệ thuật mị đời. Còn nếu hoàn toàn không giống cuộc đời thì đó là nghệ thuật dối đời". Nghệ thuật thường vừa hư vừa thực, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa bình thường vừa phi thường.

Cùng viết về con người trong những năm 1930-1945, ta thấy nhiều hình ảnh lao động vất vả. Nhưng đọc "Chí Phèo" của Nam Cao, người đọc bao đời vẫn cảm thấy đau đớn, xót xa trước sự quằn quại, quẫy đạp của con người trước Cách mạng tháng Tám, khi họ phải lựa chọn giữa sống làm quỷ hoặc chết để giữ nhân cách. Chí Phèo đã chết ngay ngưỡng cửa trở về đời lương thiện. Trong "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam, người đọc lại cảm thương trước cuộc sống mòn mỏi của hai đứa trẻ và những người ở ga xép phố huyện, họ sống mà như chết dần. Nam Cao và Thạch Lam đã chứng minh quy luật: "Nghệ thuật không chấp nhận sự lặp lại của người khác cũng như chính bản thân mình, không chấp nhận sao chép đời sống". Văn học phản ánh hiện thực nhưng không chỉ là sao chép thụ động, mà là quá trình nuôi dưỡng cảm hứng và sáng tạo một thế giới sinh động, thể hiện những vấn đề có ý nghĩa sâu sắc của đời sống xã hội con người. Nhân vật trong tác phẩm của một thiên tài nhiều khi thật hơn cả người ngoài đời, vì sức sống lâu bền và ý nghĩa điển hình của nó. Qua nhân vật, ta thấy cả một tầng lớp, giai cấp, thời đại, và có những nhân vật vượt thời đại, mang ý nghĩa nhân loại vĩnh cửu, sống mãi với thời gian (Sóng Hồng).