Thế giới "không màu"

Hậu quả khi con người chỉ nói sự thật

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao người lớn thường dạy trẻ con không được nói dối, nhưng rồi chính họ lại không trung thực trong nhiều việc? Có lẽ đúng như Nicholas Sparks từng nói: "Thế giới sẽ thật kinh khủng khi con người chỉ nói sự thật". Thực tế, câu nói của nhà văn ấy hoàn toàn chính xác; con người sẽ gặp nhiều khó khăn và rắc rối khi không biết cách cư xử khéo léo, chỉ biết nói thẳng, nói thật trong mọi tình huống. Hai từ "nói thật" thường được coi là tích cực, nhưng điều đó cũng phụ thuộc vào kỹ năng giao tiếp của người nói. Lời nói thật có thể mang lại niềm vui và hạnh phúc, nhưng cũng có thể gây đau khổ cho người nghe. Nếu lời nói thật chỉ làm tăng thêm nỗi buồn, thất vọng, hay thất bại, thì thà rằng chúng ta nói giảm nói tránh để động viên người khác.

the-gioi-that-kinh-khung-khi-con-1719918944.jpg

Nói thật có thể giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt và tạo sự tin tưởng giữa mọi người, nhưng đôi khi, lời nói dối lại phù hợp hơn để thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ, và bao dung. Trong một số trường hợp, lời nói không thật là tấm màn che đi sự hy sinh cao đẹp mà con người muốn dành cho nhau. Chắc hẳn bạn từng nghe mẹ mình nói: "Mẹ no rồi, con ăn đi" để bạn có thể thưởng thức món ăn mình thích. Hoặc bạn có thể đã nghe kể về những bác sĩ nói dối bệnh nhân về tình trạng bệnh của họ. Tất cả những lời nói dối đó đều nhằm mục đích tốt đẹp, mong muốn người nghe được vui vẻ và thoải mái hơn.

Ngay chính bản thân tôi cũng phải thừa nhận rằng mình từng không nói ra sự thật. Dù không thể biện minh rằng mọi lời nói dối đều tốt, nhưng theo tôi, chúng ta nên cẩn trọng trước khi nói bất kỳ điều gì. Như bạn biết đấy, lời nói có thể nhẹ nhàng như gió thoảng, nhưng cũng có thể nặng nề như ngàn cân. Thật hay không thật, chúng ta nên để lời nói trở thành vô giá chứ đừng vô giá trị bạn nhé!