Vượt qua định kiến, tỏa sáng như viên ngọc

Liệu hòn đá có thực sự vô giá trị?

Người ta thường nói rằng "trăm nghe không bằng một thấy", nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn thấu những gì chúng ta thấy, và cũng không phải lúc nào chúng ta cũng nên tin vào những gì chúng ta thấy. Sự thật và giả dối, tin tưởng hay không tin tưởng, có ích hay không có ích, tất cả đều phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Giống như câu chuyện về hòn đá, một vật tưởng chừng vô dụng bỗng trở nên quý giá vì "rơi từ vũ trụ xuống đã mấy trăm năm", đặt ra cho chúng ta vấn đề lớn về cách nhìn nhận giá trị trong cuộc sống.

bai-van-nghi-luan-xa-hoi-ve-hon-1719919705.jpg

Câu chuyện mở ra với hai góc nhìn khác nhau: góc nhìn của "mọi người" và góc nhìn của "nhà thiên văn". Ở đây, tôi không bàn về học thức hay trí tuệ mà là về góc nhìn theo mục đích của mỗi người. Mọi người thấy hòn đá này "xù xì án ngữ trước cửa nhà", chẳng thể dùng để xây tường, làm bậc hè hay làm cối, thậm chí còn hơi vướng víu, thật vô dụng. Mọi người nhìn nhận giá trị của hòn đá như vậy bởi vì đối với họ, hòn đá chỉ có mục đích sử dụng đến thế, không hơn không kém. Còn đối với nhà thiên văn, ông ta nhìn hòn đá với một tác dụng khác, một tác dụng thần kỳ và cao siêu.

Thực tế không thể phủ nhận rằng nhà thiên văn vì có kiến thức và tầm nhìn khác nên mới nhận ra giá trị cao quý của hòn đá. Nhưng với những người bình thường, dù biết hòn đá quý hiếm đến đâu, ngoài việc trưng bày, họ cũng không thể làm gì hơn để tận dụng đúng giá trị đó. Nhà thiên văn đã nói: "Đương nhiên không thể xây tường, lát bậc lên xuống, không thể điêu khắc và giặt giũ quần áo. Nó không phải là thứ để làm những việc ấy, cho nên thường bị người đời chê bai". Có lẽ, dù có trân quý đến đâu, một vật chỉ phát huy giá trị khi nó được đặt vào hoàn cảnh xứng đáng.

Nói về nhìn nhận giá trị, tôi nhớ đến câu chuyện về những bức tranh của Picasso. Thuở niên thiếu, Paulo Picasso là một họa sĩ vô danh, nghèo túng ở Paris. Tranh của ông không ai quan tâm, không ai biết tới. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tên tuổi của ông đã lan khắp Paris, tranh của ông bán được và trở nên nổi tiếng. Điều đó không phải vì ông vẽ đẹp hơn hay dát thêm vàng bạc lên những bức tranh, mà vì ông đã dùng 15 đồng cuối cùng để thuê sinh viên dạo quanh các cửa hàng tranh và hỏi: "Ở đây có bán tranh của Picasso không?". Khi mọi người chú ý đến tranh của Picasso, những "nhà thiên văn" của chúng xuất hiện để nhận thấy giá trị của nó. Trên đời chẳng có vật gì là không có ích cả. Vô giá hay vô giá trị chỉ phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận mà thôi.

Giá trị hay không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nhận biết và vận dụng được giá trị đó hay không còn tùy vào mỗi người. Con người cũng vậy, ai cũng có những giá trị riêng phát huy trong từng hoàn cảnh cụ thể, dù ít hay nhiều cũng cần được khám phá và trân quý. Hòn đá đã may mắn gặp được nhà thiên văn, được khẳng định giá trị của mình, còn mỗi chúng ta chắc gì có thể may mắn như thế. Giá trị của bạn nằm ở năng lực của bạn. Vì vậy, tôi nhận ra rằng mình nên tìm chìa khóa cho cánh cửa giá trị thần bí của bản thân. Tôi thử làm nhiều việc, học nhiều thứ, dấn thân và cố gắng hết mình. Và tôi tin chắc rằng đến một ngày, tôi sẽ mở toang kho giá trị ẩn giấu, nâng tầm bản thân.

Một lần, tôi từng đọc vài dòng thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ: “Hoa giả y như thật Hoa thật sao còn ngờ Hết xuân hoa thật rụng Hoa giả - cánh còn trơ.”

Thật giả lẫn lộn, đâu mới là giá trị cốt lõi còn tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người. Cuộc sống thú vị biết bao khi mọi thứ xung quanh ta luôn là những vùng bí ẩn. Hãy làm nhà thiên văn của chính mình, cứ đi, cứ khám phá, cứ nỗ lực để sẽ thu nhặt thêm những “hòn đá rơi từ vũ trụ” bạn nhé!