Ý nghĩa nhan đề "Vợ nhặt" ngắn gọn và hay nhất

Trong chương trình ngữ văn lớp 12, văn bản " Vợ nhặt" của Kim Lân là một trong những tác phẩm tiêu biểu phản ánh một xã hội đói khổ - nơi cái đói năm 1945 đã cướp đi hàng nghìn mạng sống của nhân dân ta. Với nhan đề " vợ nhặt" , đơn thuần độc giả sẽ hiểu là một anh chàng nào đó nhặt được vợ. Nhưng ý nghĩa đằng sau nhan đề ấy là đem đến nhiều giá trị hiện thực và nhân đạo khác.

1. Vài nét về tác giả Kim Lân:

Nhà văn Kim Lân có tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1/8/1920, tại thôn Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Quê hương ông vốn là một làng quê nổi tiếng bởi truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng và có nhiều người thành danh.

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên ông chỉ học được hết tiểu học đã phải tự đi làm để phụ giúp gia đình. Nhờ chịu khó quan sát và suy ngẫm, lại có dịp đi đến nhiều làng xã nên từ hồi còn ít tuổi, ông đã có vốn hiểu biết khá dày dặn trong cuộc sống ở vùng Kinh Bắc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ học hết tiểu học, rồi vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong, vừa viết văn. Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội văn hóa cứu quốc. Sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng (viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim).

Sự nghiệp sáng tác

– Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955); Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962),..

– Phong cách sáng tác

+ Là cây bút chuyên viết truyện ngắn có sở trường viết về nông thôn và người nông dân.

+ Có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật; văn phong giản dị nhưng gợi cảm, hấp dẫn; ngôn ngữ sống động, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày và mang đậm màu sắc nông thôn; am hiểu và gắn bó sâu sắc về phong tục và đời sống làng quê Bắc Bộ.

2. Ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt:

Nhan đề truyện Vợ Nhặt là một nhan đề đặc sắc và hấp dẫn, có sự lôi cuốn và đồng thời kích thích sự chú ý và tò mò của người đọc. Việc lấy vợ là một việc trọng đại của người đàn ông, được thực hiện theo các nghi lễ và phong tục truyền thống như thưa chuyện, dạm hỏi, cưới xin…đánh dấu mốc quan trọng của cuộc đời người đàn ông. Nhưng nhà văn Kim Lân lại sử dụng từ “nhặt” để tạo nên nhan đề của tác phẩm. “Nhặt” đi với những thứ không ra gì, bèo bọt như cho không. Quả đúng với thân phận con người lúc bấy giờ bị rẻ rúng như cái rơm, cái rác, có thể “nhặt” ở bất kì đâu, bất kì lúc nào. Tuy nhiên, “vợ” lại là sự trân trọng. Người vợ là người giữ lửa cho gia đình, gia đình có êm ấm hay không đều nhờ vào người vợ. Người ta hỏi vợ, cưới vợ, còn ở đây Tràng “nhặt” vợ. Đó thực chất là sự khốn cùng của hoàn cảnh mà chính nạn đói năm 1945 đã đem đến.

=> Như vậy, nhan đề Vợ nhặt vừa khắc họa toàn cảnh nạn đói năm 1945 vừa bộc lộ sự cưu mang, đùm bọc và khát vọng, sức mạnh hướng tới cuộc sống, tổ ấm, niềm tin của con người trong cảnh khốn cùng. Đó cũng chính là nét độc đáo trong bài văn thể hiện giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm.