Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Việt Bắc - Tố Hữu Ngữ văn 12

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Việt Bắc như thế nào? Cùng tham khảo một số thông tin dưới đây của Luật Minh Khuê nhé.

Hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. - Theki.vn

Khi nhắc về nhà thơ Tố Hữu, chúng ta không thể không nhắc tới bài thơ Việt Bắc. Đây là một bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, là dấu ấn quan trọng của lịch sử dân tộc.

1. Đôi nét về tác giả Tố Hữu

Tố Hữu sinh năm 1920 mất năm 2000, tên khai sinh là Nguyễn Kim thành quê ở làng Phù Lai nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Tố Hữu sinh ra trong một gia đình Nho học ở Huế và yêu văn chương. Tố Hữu sớm giác ngộ Cách mạng và hăng say hoạt động cách mạng, kiên cường đấu tranh trong các nhà tù thực dân. Tố Hữu đảm nhiệm nhiều cương vị trọng yếu trên mặt trận văn hóa và trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và nhà nước.

Con đường thơ và con đường hoạt động cách mạng của ông có sự thống nhất không thể tách rời. Mỗi tập thơ của ông là một chặng đường cách mạng.

Về phong cách thơ thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị. Thơ Tố Hữu thiên về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Thơ ông có giọng tâm tình, ngọt ngào, mang tính dân tộc đập. Nhà thơ Tố Hữu là tấm gương phản chiếu tâm hồn một người chiến sĩ cách mạng, suốt đời phấn đấu hi sinh vì tương lai tươi đẹp của dân tộc, cuộc sống hạnh phúc của con người.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như tập thơ Từ Ấy, tập thơ Việt Bắc, tập thơ Gió Lộng, tập thơ ra trận và tập Máu và Hoa.

2. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Việt Bắc

Việt Bắc là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của Tố Hữu. Bài thơ là điển hình cho phong cách chính trị trữ tình của nhà thơ. Việt Bắc được sáng tác vào tháng 10 năm 1954. Đây là mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự thắng lợi của Đảng và nhân dân hai miền Nam Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Việt Bắc trong bài thơ được nhắc đến không chỉ là một vùng đất ở trên lãnh thổ Việt Nam, mà đó còn là quê hương của những người con cách mạng. Việt Bắc là vùng chiến khu có vị trí chiến lược, ý nghĩa quân sự, chính trị đặc biệt. Bởi nơi đây bác Hồ và Trung ương đảng đã thành lập mặt trận Việt Minh, chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc tổng khởi nghĩa đi đến thành công Cách mạng tháng Tám.

Dấu mốc lịch sử là hiệp định Giơnevơ được ký kết vào ngày 21 tháng 7 năm 1954, sau 75 ngày đàm phán giữa các nước tại thành phố giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Hiệp định có nội dung tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, lập lại hòa bình ở ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia),

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đỉnh cao chói lọi được ghi vào lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Tháng 10 năm 1954 chính phủ trung ương Đảng và những người kháng chiến đã chia tay chiến khu Việt Bắc, chia tay những người dân Việt Bắc để trở về với thủ đô. Khi trở về miền xuôi, phải sống trong hoàn cảnh mới liệu rằng những người kháng chiến, những người cách mạng còn nhớ về ân tình sâu nặng đã từng có với vùng đất và con người nơi chiến khu Việt Bắc không. Để trả lời cho câu hỏi này, bài thơ Việt Bắc đã được ra đời. Tác phẩm thể hiện tình cảm thủy chung, chân thành của những người kháng chiến đối với chiến khu Việt Bắc. Ta có thể thấy Việt Bắc ra đời trong hoàn cảnh lịch sử vô cùng đặc biệt. Qua đó ta có thể thấy được những cảm xúc, rung động, tình cảm chân thành của Tố Hữu. Và đó cũng chính là những tình cảm, cảm xúc của những người cách mạng, những người kháng chiến đối với chiến khu Việt Bắc.

Bài thơ đã tái hiện lại cho người đọc về giai đoạn lịch sử đầy gian khổ, khó khăn nhưng cũng tràn đầy hào hùng, vẻ vang của dân tộc. Đồng thời ca ngợi sự gắn bó, ân tình, tình cảm khăng khít, thủy chung giữa những cán bộ cách mạng đối với người dân và chiến khu kháng chiến Việt Bắc. Qua đó, ca ngợi công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, cách mạng đã chiếu sáng đường lối cho toàn dân tộc ta đi đến được thắng lợi vô cùng vẻ vang và đầy tự hào. Niềm hi vọng, sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước khi có sự lãnh đạo tài tình của bác, của Đảng.

3. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ Việt Bắc

- Giá trị nội dung:

+ Việt Bắc là khúc ca Hùng Tráng và cũng là khúc tình ca về cách mạng về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Thể hiện sự gắn bó, ân tình, sâu nặng với nhân dân, đất nước trong niềm tự hào dân tộc

+ Việt Bắc là khúc hát ân tình, thủy chung của những người cách mạng, những người kháng chiến của dân tộc. Qua tiếng lòng của nhà thơ. Bên cạnh đó bài thơ còn cất lên bản trường ca anh hùng vang dội, đưa ta về một thời kỳ lịch sử hào hùng, trọng đại của đất nước.

- Giá trị nghệ thuật:

+ Nghệ thuật biểu hiện trong đoạn thơ đậm đà tính dân tộc, phát huy nhiều thế mạnh của thể thơ lục bát truyền thống. Câu từ bài thơ là câu từ trong ca dao, dân ca với hai nhân vật trữ tình ta và mình.

+ Câu thơ uyển chuyển, linh hoạt, cân xứng kết hợp hài hòa, dễ nhớ thấm sâu và tâm tư.

+ Ngôn ngữ bằng lời văn, tiếng nói hàng ngày giản dị, mộc mạc, giàu hình ảnh

+ Thể hiện chất trữ tình chính trị sâu sắc, tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: chính trị (đề tài cuộc kháng chiến, vận mệnh đất nước). Trữ tình (so sánh tình cảm của cán bộ và nhân dân như tình yêu, xưng hô mình - ta), lời lẽ giàu tình cảm.

>> Tham khảo: Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc hay nhất

4. Một số nhận định hay về nhà thơ Tố Hữu và tác phẩm Việt Bắc

1. Thời đại ta đã may mắn có được nhà thơ Tố Hữu - Hoài Thanh

2. Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên - Xuân Diệu

3. Với Tố Hữu thơ là vũ khí đấu tranh cách mạng, đó chính là đặc sắc và cũng là bí quyết độc đáo của Tố Hữu trong thơ ca - Đặng Thai Mai

4. Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu tôi, Việt Bắc ở trong tôi - Tố Hữu

5. Sức mạnh của thơ Tố Hữu trong những ngày đen tối ấy chính là vì nó nói với trái tim, chính là bởi người cách mạng ấy là một thi sĩ chính cống thật sự - Xuân Diệu

6. Tố Hữu không tô vẽ lên nhân vật quần chúng những nét sơn hào nhoáng, giả tạo, tình cảm của nhân vật. Thơ anh biểu hiện lên từ bản chất giai cấp, từ đời sống thực người bộ đội. Chiếm một vị trí quan trọng trong tập thơ Việt Bắc chính là người nông dân nghèo khổ - Hoàng Trung Thông

7. Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra, cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như chúng tôi. Nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn. Chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời. Nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ - Xuân Diệu

8. Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm đắm say người nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhà, vừa thức người bằng ý - Chế Lan Viên

9. Lịch trình tiến triển về thơ của Tố Hữu đi song song với lịch trình tiến triển về tư tưởng và trình độ giác ngộ, về sức hoạt động của Tố Hữu. Thơ Tố Hữu không phải là một trò tiêu khiển mà là một khí cụ đấu tranh, một công tác vận động của người cách mạng. Tố Hữu là một thi sĩ, một chiến sĩ nhưng chúng ta đừng quên cốt cách của nó là thi sĩ.

10. Thơ Tố Hữu bao giờ cũng mới, càng ngày càng mới vì nó thể hiện thế giới quan cách mạng của chủ nghĩa Mác, hệ tư tưởng vô sản, đạo đức cộng sản chủ nghĩa là những tư tưởng càng ngày càng trở thành cách nhìn, nếp sống phổ biến của những con người mới của thời đại. - Như Phong