Các nhà phê bình nhận định như thế nào về "ông vua tùy bút" Nguyễn Tuân?

Được tôn vinh là "ông vua tùy bút", nhà văn Nguyễn Tuân đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt với không chỉ độc giả mà còn đồng nghiệp với tính cách và lối hành văn đặc biệt. Các nhà phê bình nhận định như thế nào về nhà văn tài hoa này?

1. Giáo Sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận định

“Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói gọn trong một chữ ngông. Cái ngông vừa có màu sắc cổ điển, kế thừa truyền thống tài hoa bất đắc chí của những Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Ðà,… và trực tiếp hơn là cụ Tú Lan, thân sinh nhà văn; vừa mang dáng vẻ hiện đại, ảnh hưởng từ các hệ thống triết lý nổi loạn của xã hội tư sản phương Tây như triết lý siêu nhân, quan niệm về con người cao đẳng, thuyết hiện sinh…”

“Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa”.

“… Nguyễn Tuân- một cây bút vốn luôn khao khát những cảm giác, cảm xúc mới lạ, nồng nàn, say đắm…”.

2. Nguyễn Đình Thi nói về Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân là một nhà văn cả đời đi tìm kiếm cái thực và cái đẹp. Thực ra, sự thực và cái đẹp của cuộc sống là hai cái đích mà dường như bất kì ngòi bút chân chính nào cũng hướng tới nhưng không dễ chiếm lĩnh và chạm vào được. Nguyễn Tuân cũng trên hành trình tìm kiếm nhưng tác phẩm của ông đã chạm được đến cái đẹp, nhất là cái đẹp truyền thống và cái thực phồn hoa chốn thành thị. Nguyễn Tuân là người thưởng thức cái đẹp với tư cách người có văn hóa, có vốn tri thức, biết giá trị của đối tượng mình chiêm ngưỡng.

3. Chu Văn Sơn nói về Nguyễn Tuân

“Người ta thấy cái tâm đang điều khiển cái tài, cái tài đang phụng sự cái tâm. Nói đúng hơn cái tài, cái tâm đang hòa vào nhau để tạo nên cái đẹp.

Một người nặng về chữ YÊU, hướng về cái đẹp thuộc nghệ sĩ, mỹ thuật, về thú chơi, thưởng lãm cảnh sắc, hương vị của cuộc đời, của đất nước, và ghét tất cả những cái xấu xí, dung tục, cơ giới, tầm thường”.

nha-van-nguyen-tuan-1700495109.jpg

4. Lời bình về Nguyễn Tuân của Vũ Ngọc Phan

Nhận xét về Nguyễn Tuân trước năm 1945, Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Nguyễn Tuân là nhà văn đứng riêng ra một phái. Những tập văn của ông không phải là tuỳ bút, cũng ngả về tuỳ bút không ít thì nhiều. Ông lại không thể nào bỏ được cái lối phiếm luận, cái giọng khinh bạc bất cứ về việc gì, nên có nhiều đoạn lê thê… Tuy vậy, đọc Nguyễn Tuân bao giờ người ta cũng thấy một hứng thú đặc biệt: đó là sự thâm trầm trong ý nghĩ, sự lọc lõi trong quan sát, sự hành văn một cách hoàn toàn Việt Nam”.
“Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức. Một ngày không xa, khi mà văn chương Việt Nam được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc những văn phẩm của Nguyễn Tuân sẽ còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa.”

5. Lời bình về Nguyễn Tuân của Vũ Ngọ

Nguyễn Tuân xứng đáng được mệnh danh là “chuyên viên cao cấp tiếng Việt”, là “người thợ kim hoàn của chữ”(Ý của Tố Hữu), Tinh thần tự nguyện dấn thân, bám trụ ở thành trì cái Ðẹp là biểu hiện sinh động của một nhân cách văn hóa lớn. Nhà văn Nguyễn Tuân “đặc Việt Nam”

6. Nhận xét về Nguyễn Tuân của Thạch Lam

Trong cái vội vàng, cái cẩu thả của những tác phẩm xuất bản gần đây, những sản phẩm đã hạ thấp văn chương xuống mực giá trị của một sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và yêu mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng.

nttt-1700495154.jpeg

7. Nhận xét hay về Nguyễn Tuân của Trần Hữu Tước

Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước, một người bạn thân của Nguyễn Tuân ca ngợi ông bằng một lối nói khá văn hoa: “Nhà văn lớn như một băng đảo, phần chìm trong nước biển chiếm 99 phần trăm, nhô lên trắng tỏa với dông tố bình minh nam bắc cực chỉ là phần nhỏ”.

8. Nhận định văn học về Nguyễn Tuân của Phan Huy Đông

“…những câu văn của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. Sự tự ý thức sâu sắc về tài năng của mình không phải là một biểu hiện tiêu cực, trái lại, nó tạo nên sự giải phóng năng lượng rất cần thiết để nhà văn có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ…”. (Phan Huy Đông, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng).

9. Nhận định hay về Nguyễn Tuân của Ngọc Trai

Nhà phê bình Ngọc Trai rất có lý khi cho rằng: “…Có một Nguyễn Tuân cương trực, ngang bướng, gai góc, khinh bạc, kênh kiệu bên cạnh một Nguyễn Tuân nhân hậu đầy ưu ái với con người, cuộc đời…Có một Nguyễn Tuân ồn ào, phá phách bên cạnh một Nguyễn Tuân cô đơn luôn nặng trĩu lòng ưu thời mẫn thế…”

10. Nhận định về Nguyễn Tuân của Vương Trí Nhàn

Vang bóng một thời là những gì còn lại của một thời vàng son khi văn hóa phương Tây chưa du nhập, đất nước chưa lâm vào những nhiễu loạn. Sau khi đã chìm đắm trong những áng văn của Nguyễn Tuân, nhà phê bình Vương Trí Nhàn chia sẻ:
“Nguyễn Tuân, trong Vang bóng một thời, lại phác họa một cách tài hoa nếp sống thanh nhã của người xưa, và cho thấy một đời sống tinh thần vững chãi là cần thiết cho con người đến như thế nào.”