Bài học về giá trị nhân đạo từ hình ảnh Vũ Nương

Trân trọng hạnh phúc gia đình và lên án xã hội bất công

Trong suốt dòng chảy của văn chương từ cổ chí kim, có vô số tác phẩm đã viết về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Với ngòi bút tài hoa và tấm lòng nhân đạo, Nguyễn Dữ đã khắc sâu vào kho tàng văn học Việt Nam hình ảnh nàng Vũ Nương – biểu tượng cho số phận hồng nhan bạc mệnh của người phụ nữ thời bấy giờ.

Nguyễn Dữ được biết đến là học trò xuất sắc của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tác phẩm của ông không chỉ thể hiện tài năng và kiến thức uyên bác mà còn chứa đựng những khát vọng thầm kín về hạnh phúc và sự công bằng trong cuộc sống. “Chuyện người con gái Nam Xương” trích từ “Truyền kỳ mạn lục” là một tác phẩm tiêu biểu của ông.

Nguyễn Dữ mở đầu tác phẩm bằng cách đặt nhân vật Vũ Nương vào những hoàn cảnh khác nhau để bộc lộ vẻ đẹp đời sống và tính cách của nàng. Vũ Nương được giới thiệu là “người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp”. Chỉ với một câu văn ngắn gọn, Nguyễn Dữ đã khái quát đầy đủ vẻ đẹp của Vũ Nương, người hội tụ đủ cả công - dung - ngôn - hạnh.

Không chỉ là một phụ nữ xinh đẹp, nết na, Vũ Nương còn là người vợ thủy chung, yêu chồng. Nàng luôn khao khát hạnh phúc gia đình và dù chồng đa nghi, phòng ngừa quá mức, gia đình nàng vẫn êm ấm nhờ đức hạnh của nàng. Khi Trương Sinh phải ra trận, Vũ Nương rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi…”. Lời dặn dò ấy thể hiện sự cảm thông và xót xa của nàng cho những nỗi gian lao, vất vả mà chồng sẽ phải chịu đựng nơi chiến trường.

Khi chồng đi xa, Vũ Nương sinh con trai, đặt tên là Đản. Nàng chỉ vào cái bóng trên tường và bảo rằng đó là cha Đản, để con có thể cảm nhận được tình yêu thương của cha.

Với mẹ chồng, Vũ Nương đã làm tròn bổn phận của người con dâu hiếu thảo. Nàng tận tình chăm sóc mẹ chồng già yếu, ốm đau, và cầu khấn thần phật cho bà mau khỏi bệnh. Lời trăng trối của mẹ chồng trước khi mất đã khẳng định tình cảm ấm áp giữa hai người: “Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời. Mẹ không phải không muốn đợi chồng con về, mà không gắng ăn miếng cơm miếng cháo đặng cùng vui sum họp… Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.

Với những phẩm chất tốt đẹp như vậy, tưởng rằng Vũ Nương sẽ có cuộc sống êm ấm hạnh phúc. Nhưng “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Bi kịch bắt đầu khi Trương Sinh trở về, nghe con trai kể về "một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả". Lời nói ấy khiến Trương Sinh nảy sinh nghi ngờ và ghen tuông. Dù Vũ Nương cố gắng thanh minh, Trương Sinh vẫn không tin, đẩy nàng đến bước đường cùng, khiến nàng phải tự vẫn dưới dòng nước Hoàng Giang để rửa nỗi oan nhục. Dù chết oan ức, Vũ Nương không oán trách, hận thù mà vẫn nặng lòng thương nhớ chồng con, quê hương.

Vũ Nương khao khát được phục hồi danh dự. Khi Trương Sinh lập đàn giải oan ở bến Hoàng Giang, nàng trở về để nói lời tạ từ, thể hiện lòng vị tha và thủy chung. Cuộc đời ngắn ngủi của Vũ Nương đã khắc họa vô vàn phẩm chất tốt đẹp.

Câu tục ngữ "Gái có công thì chồng chẳng phụ" dường như không ứng với Vũ Nương, khi nàng phải chịu số phận bất hạnh. Nàng là nạn nhân của xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ và phân biệt giàu nghèo, cũng như của chiến tranh phi nghĩa. Sự đa nghi và hồ đồ của Trương Sinh đã đẩy nàng đến bi kịch đau đớn nhất cuộc đời.

Số phận của Vũ Nương không phải là số phận của một cá nhân riêng lẻ mà tiêu biểu cho rất nhiều phụ nữ trong xã hội xưa. Họ dù có đủ công – dung – ngôn – hạnh nhưng vẫn chịu nhiều bất công, ngang trái. Qua nhân vật này, Nguyễn Dữ bày tỏ sự xót thương trước số phận khổ đau của người phụ nữ, trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp của họ, đồng thời tố cáo xã hội phong kiến hà khắc và chiến tranh phi nghĩa.

Thành công của tác phẩm đến từ nghệ thuật xây dựng cốt truyện, tình huống hấp dẫn, chi tiết thắt nút – mở nút, và nghệ thuật khắc họa tâm lý nhân vật kết hợp với những yếu tố hoang đường kì ảo.

“Phũ phàng chi bấy Hóa công Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen"

Câu thơ ấy như vang vọng trong từng trang văn của Nguyễn Dữ khi viết về bi kịch của Vũ Nương. Số phận của nàng là lời cảnh tỉnh về lối sống và chế độ xã hội trong thời phong kiến.