Tìm hiểu sơ lược về tác giả Tế Hanh và bài thơ Quê hương

Hướng dẫn Tìm hiểu sơ lược về tác giả Tế Hanh và bài thơ Quê hương

I. Tác giả
1. Tìm hiểu tác giả Tế Hanh
- Tế Hanh (1921 - 2009) tên khai sinh là Trần Tế Hanh, sinh ra tại một làng chài ven biển tỉnh Quảng Ngãi.
- Ông có mặt trong phong trào thơ mới ở chặng cuối (1940 - 1945) với những bài thơ mang nặng nỗi buồn và tình yêu quê hương thắm thiết.
- Sau 1946, Tế Hanh bền bỉ sáng tác phục vụ cách mạng và kháng chiến.
- Ông được biết đến với những bài thơ thể hiện nỗi nhớ thương tha thiết quê hương miền Nam và niềm khao khát tổ quốc được thống nhất.
- Năm 1996, ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
- Một số tác phẩm chính: Tập thơ Hoa niên (1945), Gửi miền Bắc (1955), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963), Khúc ca mới (1966)...
II. Tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Quê hương luôn là niềm cảm hứng lớn trong thơ Tế Hanh mà bài thơ “Quê hương” chính là mở đầu cho chùm bài thơ viết về quê hương.
- Bài thơ được rút ra trong tập “Nghẹn ngào” (1939), sau được in lại trong tập “Hoa niên” (1945).
2. Bố cục: 4 phần
- 2 câu đầu: Giới thiệu chung về làng quê.
- 6 câu tiếp: Cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi đánh cá.
- 8 câu tiếp: Cảnh thuyền cá về bến.
- 4 câu tiếp: Nỗi nhớ làng chài, nhớ quê hương.
3. Nội dung chính: Bài thơ đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển. Trong đó nổi bật lên hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và cảnh sinh hoạt lao động chài lưới. Qua đó cho thấy tình cảm quê hương trong sáng, tha thiết của nhà thơ.
4. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm
5. Thể thơ: Tám chữ
6. Giá trị nội dung: Qua bức tranh tươi sáng sinh động về một làng quê miền biển và hình ảnh khỏe khoắn đầy sức sống của người dân chài, sinh hoạt lao động làng chài ta thấy được nỗi nhớ da diết, sự gắn bó thủy chung, tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả.
7. Giá trị nghệ thuật:
- Ngôn ngữ bình dị mà gợi cảm, giọng thơ khỏe khoắn hào hùng.
- Hình ảnh thơ phong phú, giàu ý nghĩa.
- Nhiều phép tu từ được sử dụng đạt hiệu quả nghệ thuật.