Phân tích giá trị nhân đạo trong "Chuyện người con gái Nam Xương"

Lên án xã hội bất công và đề cao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ

Tinh thần nhân đạo đã trở thành linh hồn của nhiều tác phẩm văn học, được thể hiện dưới nhiều màu sắc và hình thức khác nhau. Trong văn học trung đại, một biểu hiện nổi bật của tinh thần nhân đạo là tấm lòng nhân ái đối với số phận mong manh và nhiều bất hạnh của người phụ nữ. Tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ là minh chứng rõ nét cho điều này, thông qua sự trân trọng của tác giả đối với vẻ đẹp dung dị, cao cả của người phụ nữ và sự đồng cảm sâu sắc với những bất hạnh mà họ phải chịu đựng.

Người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay luôn được ngợi ca bởi vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo và tâm hồn đôn hậu, bao dung. Trong "Chuyện người con gái Nam Xương", Vũ Nương cũng vậy, nàng hiện lên với vẻ đẹp nết na và lòng tự trọng cao quý.

Nàng có một "tư dung tốt đẹp" khiến Trương Sinh, con nhà hào phú, phải xin mẹ trăm lạng vàng để cưới nàng làm vợ. Không chỉ xinh đẹp, Vũ Nương còn là người phụ nữ hiền hậu, nết na, người vợ hiền, dâu thảo và người mẹ thương con.

Trong mối quan hệ vợ chồng, Vũ Nương luôn giữ gìn khuôn phép, không để xảy ra bất hòa, dù chồng nàng "có tính đa nghi, phòng ngừa quá sức". Khi tiễn chồng ra trận, nàng chỉ mong Trương Sinh trở về bình yên, không mơ mộng đến vinh hoa phú quý: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi...”. Lòng nàng luôn hướng về chồng, thủy chung và tha thiết.

Khi Trương Sinh trở về, vì hiểu lầm và ghen tuông, chàng nghi oan cho Vũ Nương và dùng những lời lẽ tàn nhẫn mà trách mắng nàng. Ngay cả trong hoàn cảnh ấy, Vũ Nương vẫn nói năng đúng mực, cố gắng thanh minh và bày tỏ mong ước về một cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Trong quan hệ với mẹ chồng, Vũ Nương đã hết lòng chăm sóc bà khi ốm đau, lo liệu ma chay chu đáo khi bà qua đời. Tấm lòng hiếu thảo của nàng khiến mẹ chồng cảm động và dành những lời cuối cùng thiêng liêng để chúc phúc cho con dâu.

Với con, Vũ Nương đã hết sức nuôi dạy, bảo ban và yêu thương, thậm chí hành động vô tư của nàng khi chỉ vào cái bóng trên vách và nói đó là cha Đản đã dẫn đến hiểu lầm và bi kịch cho nàng.

Ngoài những đức tính trên, Vũ Nương còn nổi bật với lòng tự trọng cảm động. Bị chồng hiểu lầm và chịu oan ức, nàng chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch và lòng tự trọng của mình. Hành động này cho thấy ý thức giữ gìn danh dự và tiết hạnh của nàng.

Nguyễn Dữ đã góp phần ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ trong "Chuyện người con gái Nam Xương", hòa vào cảm hứng nhân văn của văn học trung đại. Bên cạnh Vũ Nương, còn có thể kể đến chị em Thúy Kiều, Thúy Vân của Nguyễn Du, người chinh phụ trong thơ Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm,...

Nhưng trong xã hội phong kiến suy tàn, cái đẹp thường đi liền với bất hạnh và tai họa. Số phận của Vũ Nương là minh chứng cho điều đó.

Nàng có một cuộc hôn nhân không do mình lựa chọn. Với vẻ đẹp vốn có, nàng xứng đáng có một tấm chồng đức tài tương xứng, nhưng lại phải chịu cảnh sống với Trương Sinh, một kẻ vô học nhưng giàu có, cưới nàng về bằng tiền bạc. Cuộc hôn nhân của nàng không khác gì một cuộc trao đổi mua bán.

Về nhà chồng, Vũ Nương phải hết sức giữ gìn trước tính đa nghi của Trương Sinh. Sau nhiều năm mong ngóng, điều nàng nhận được chỉ là nỗi oan thảm khốc. Khi chồng đi lính, nàng chỉ bóng mình trên vách và bảo con đó là cha nó, nhưng thiện ý ấy lại bị hiểu lầm. Trương Sinh, với tính ghen tuông sẵn có, đã hồ đồ và độc đoán đối xử tệ bạc với Vũ Nương, đẩy nàng đến bước đường cùng, khiến nàng phải trầm mình xuống sông Hoàng Giang để rửa nỗi oan.

Số phận nhỏ nhoi của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến là vậy, họ không được làm chủ cuộc sống của mình, luôn phải chịu oan khiên và cay đắng. Số phận bất hạnh của Vũ Nương gợi nhớ đến bao cuộc đời bất hạnh của những Đạm Tiên, Thúy Kiều, Tiểu Thanh,...

Tuy nhiên, Nguyễn Dữ không chỉ dừng lại ở việc kể lại câu chuyện dân gian. Với sự trăn trở và tình yêu thương nhân vật, ông đã để Vũ Nương gửi mình ở chốn cung mây dưới nước của Linh Phi, một nơi biết trọng những tâm hồn trong sạch. Vũ Nương trở về nhân gian trong ánh sáng lung linh kì ảo.

"Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ đã góp tiếng nói nhân ái, đòi quyền sống và hạnh phúc cho người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến suy tàn. Chính cảm hứng nhân đạo trong tác phẩm đã giúp "Chuyện người con gái Nam Xương" sống mãi với thời gian.