Nghị luận về Trì hoãn công việc

Trì hoãn công việc

Trì hoãn là một căn bệnh trầm kha khiến bạn luôn cảm thấy day dứt khi không hoàn thành công việc đúng hạn. Bạn tự hỏi tại sao lại không thể giải quyết công việc dứt điểm mà cứ trì hoãn hết lần này đến lần khác. Vậy làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy vô hình ấy?

Hãy tưởng tượng bạn có một dự án cần hoàn thành gấp để kịp deadline và đang dồn hết tâm trí vào đó. Bỗng nhiên, bạn nhớ ra rằng hôm nay chưa lướt "Newsfeed" trên Facebook để cập nhật tin tức. Bạn dành khoảng 20 phút lướt chán chê, rồi lại chuyển sang Instagram chỉ để xem vài bức ảnh đẹp. Cuối cùng, khi cảm thấy mệt mỏi, bạn nghĩ đến việc xem một bộ phim để thư giãn, trì hoãn công việc sang thời điểm khác, mà bạn cho rằng sẽ thích hợp hơn để làm việc.

Cảm giác này có quen thuộc không? Một trong những lý do khiến con người hay trì hoãn là do chính những chiếc "smartphone" bé nhỏ nhưng đầy quyền lực. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng stress là nguyên nhân chính khiến người ta muốn trì hoãn mọi thứ, và mỗi lần trì hoãn, mức độ stress lại càng tăng lên.

Tuy nhiên, không phải lúc nào trì hoãn cũng xấu. Có hai loại trì hoãn: trì hoãn mang tính xây dựng và trì hoãn mang tính phá hoại. Loại thứ nhất rất quan trọng trong các hoạt động sáng tạo, vì não bộ cần thời gian nghỉ ngơi để phát huy trí tưởng tượng, nhưng sau đó bạn vẫn phải quay lại công việc. Thế hệ trẻ hiện nay lại thường bị cuốn vào kiểu trì hoãn phá hoại.

Khi cảm thấy căng thẳng, bạn tìm đến những hoạt động giúp giải tỏa stress. Nhưng thay vì đối mặt với nó, bạn lại chạy trốn bằng cách tìm lý do để trì hoãn. Kết quả là bạn càng stress hơn trước. Bạn càng không giữ được bình tĩnh, càng cảm thấy ức chế, giống như bị mắc kẹt trong một chiếc đu quay không có điểm dừng. Bạn sợ hãi đến mức không dám nhảy ra, chọn cách trì hoãn và ngồi yên trên chiếc đu quay ấy. Trái lại, chọn cách không trì hoãn cũng gây stress nhưng đó là stress tích cực, tạo động lực cho bạn tiếp tục công việc.

Làm thế nào để thoát khỏi thói quen trì hoãn? Nếu không tự tạo động lực, bạn sẽ không đạt được thành quả gì trong cuộc sống. Điều này không chỉ áp dụng trong công việc mà còn trong các mặt khác của cuộc sống. Không ai ngoài bạn có thể chủ động nắm lấy cơ hội để đạt được khát vọng của mình.

Cảm giác thất bại và sợ hãi là có thật, nhưng nếu để chúng khiến bạn trì hoãn mọi thứ, bạn sẽ cảm thấy bị đè nặng bởi áp lực vô hình. Xung quanh, mọi người đều bận rộn với công việc riêng, nên bạn phải tự mình trải nghiệm tất cả. Hãy thử bắt tay vào làm việc, không cần điều gì quá to tát, nhưng nó giúp bạn chuẩn bị tinh thần để tận hưởng thành quả chiến thắng về sau. Hơn nữa, nó giúp bạn tránh xa viễn cảnh phải sống co cụm trong nỗi âu lo, khổ sở và dằn vặt vì không dám làm điều gì.

Trì hoãn dẫn đến stress tiêu cực, còn hành động sẽ tạo ra stress tích cực. Việc tự mình trải nghiệm và xắn tay vào làm sẽ mang lại động lực để bạn tiến về phía trước. Cuộc sống có ý nghĩa hơn khi bạn dám thử thách bản thân. Khi học cách đối phó với căng thẳng, việc phân tích tình huống và đưa ra quyết định để giảm thiểu tác hại của stress sẽ trở nên dễ dàng hơn.