Ngân hàng và chứng khoán hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp kỷ lục

Với những yếu tố tích cực về triển vọng kinh tế, lãi suất thấp kỷ lục, xuất nhập khẩu phục hồi, Fed hạ lãi suất, lạm phát và tỷ giá trong khả năng kiểm soát, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn FDI, ABS dự báo VN-Index năm 2024 tăng vượt đỉnh năm 2023.
nha-dau-tu-nho-lck-1703085749.jpg

Chứng khoán An Bình (ABS) dự báo VN-Index năm 2024 tăng vượt đỉnh năm 2023 và hướng tới mục tiêu 1.320-1.340-1.358 điểm trong kịch bản chủ đạo.

Với những yếu tố tích cực về triển vọng kinh tế, lãi suất thấp kỷ lục, xuất nhập khẩu phục hồi, Fed hạ lãi suất, lạm phát và tỷ giá trong khả năng kiểm soát, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn FDI, ABS dự báo VN-Index năm 2024 tăng vượt đỉnh năm 2023.

Trong đó, hai nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp kỷ lục được ABS đánh giá cao là ngành ngân hàng và chứng khoán.

Ngành ngân hàng

Năm 2024, ngành ngân hàng được dự báo dần hồi phục nhờ các yếu tố hỗ trợ liên quan tới mặt bằng lãi suất giảm hỗ trợ người vay vốn và thị trường bất động sản hồi phục.

Cụ thể, hành lang pháp lý được cải thiện với việc ra đời của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Bên cạnh đó, việc các Thông tư 02 và Thông tư 06 vẫn còn hiệu lực tới giữa năm 2024 sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động hỗ trợ các khách hàng đang gặp khó khăn.

Mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục dự kiến duy trì trong 2-3 quý đầu năm, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí vốn, cải thiện lợi nhuận, tăng nhu cầu tín dụng để kinh doanh và tiêu dùng. NIM dự kiến cải thiện từ việc lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động.

Dòng tiền các doanh nghiệp cải thiện giảm áp lực nợ xấu cho ngân hàng, đặc biệt từ ngành bất động sản.

Với triển vọng LNTT trong 2024 có thể tăng 20,7%, dự kiến P/B 2024F của các cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng lên mức 1,41 lần.

Ngành chứng khoán

Ngành chứng khoán hưởng lợi trực tiếp từ mặt bằng lãi suất thấp và các giải pháp nâng hạng thị trường trong 2024.

Cụ thể, mặt bằng lãi suất dự báo được duy trì ở mức thấp giúp tăng định giá của các cổ phiếu niêm yết và cải thiện dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước.

Định hướng đến năm 2025, Việt Nam sẽ cơ bản hoàn thành các tiêu chí về nâng hạng thị trường. Từ đó có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư đến từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Trước mắt, việc triển khai hệ thống KRX sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường.

Vốn hóa thị trường/GDP của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực Asean và Châu Á, số lượng tài khoản giao dịch hiện ở mức 7,2% dân số, còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai cho TTCK Việt Nam.

Với triển vọng tăng trưởng LNST trong 2024 trung bình là 20% svck, dự kiến P/E 2024F của cả ngành sẽ giảm xuống còn 21 lần.