Đằng sau lễ du lịch chen chúc của người Việt

Hà Nhiên
Với thói quen du lịch theo mùa, ngày nghỉ ít, người Việt vẫn sẽ phải chen nhau ở các điểm du lịch, dù dịch vụ không đảm bảo, theo chuyên gia.

Biết đông đúc, mất thời gian di chuyển, phải chen chúc ở các nhà hàng, khu vui chơi nhưng gia đình anh Minh Đức, Hà Nội, vẫn chọn các kỳ nghỉ lễ như Tết hay 30/4 để đi du lịch cả gia đình.

"Có lần cả nhà phải đợi phà Cát Bà hơn 3 tiếng. Có kỳ nghỉ ở Sa Pa dù đặt trước nhưng chúng tôi cũng phải chờ hơn một tiếng mới có đồ ăn", anh Đức kể. Dù vậy, gia đình anh vẫn duy trì các kỳ nghỉ mỗi dịp lễ Tết vì "muốn đi đủ cả gia đình, các cháu được nghỉ học và vợ chồng không phải nghỉ phép dài".

Dịp 30/4 cả nước nắng nóng, di chuyển còn vất vả hơn. "Tôi quyết định sáng thứ bảy 27/4 đi sớm nhưng đã lầm", Ba Phòng, du khách ở TP HCM, cho biết. Đường Võ Nguyên Giáp, nút giao An Phú dẫn vào cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây kẹt từ sáng đến chiều. "Dưới cái nắng oi bức, thật là ác mộng", anh nói.

anh-chup-man-hinh-2024-05-15-luc-000257-1715706210.png
 

Các chuyên gia du lịch nhận xét dù biết đông đúc, người Việt vẫn đi chơi dịp lễ Tết vì thói quen du lịch theo mùa.

Theo ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch xã hội, thói quen du lịch vào kỳ nghỉ lễ của người Việt xuất phát từ việc người lao động có số ngày nghỉ phép trong năm không nhiều, trung bình 12 ngày. Tại một số quốc gia, như ở châu Âu, người lao động có khoảng một tháng nghỉ phép mỗi năm, một số nước nghỉ 20-22 ngày nên dễ phân bổ quỹ thời gian đi du lịch. Nghỉ phép ngắn nên phần đông người Việt tranh thủ đi chơi các dịp Tết Dương lịch - Âm lịch hay 30/4 - 1/5 và 2/9.

Các địa phương có lượng khách đông dịp 30/4 phần lớn là các điểm du lịch biển. Do thời tiết nắng nóng, du khách đổ xô đến các nơi giải nhiệt. Di chuyển thuận tiện bằng đường bộ từ hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM khiến "top các tỉnh thành có doanh thu lớn" cũng là các bãi biển gần. Ngoài biển, các điểm đến truyền thống có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt hay Sa Pa cũng đông khách.

anh-chup-man-hinh-2024-05-15-luc-000251-1715706210.png
 

Theo ông Huy, khách tăng cao trong đợt lễ là tín hiệu mừng cho ngành du lịch. Nhưng ở cấp quy hoạch nên có sự phát triển đồng bộ giữa các địa phương để phân tán nguồn khách trong suốt năm. Các dịp lễ, lượng khách tăng bên cạnh mặt tích cực cũng kéo theo những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ như quá tải các điểm tham quan, du khách phải chờ đợi, kẹt xe, nắng nóng, làm mất động lực đi du lịch của khách.

Kỳ nghỉ ngắn đông đúc như các dịp lễ chỉ tác động cục bộ và nhất thời ở một số khu vực chứ không phản ánh đúng bản chất của hoạt động kinh doanh du lịch tại địa phương và sức khỏe của thị trường.

"Nếu địa phương có mức độ tăng trưởng nóng dịp này, chưa hẳn đó là dấu hiệu tích cực cho cả năm và ngược lại nếu khách giảm, cũng chưa hẳn là điều gì đó quá tệ", ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company, Công ty Nghiên cứu thị trường và Phân tích dữ liệu du khách, cho biết.