Bức tranh xã hội xa hoa, trụy lạc thời Lê - Trịnh qua đoạn trích Chuyện cũ trong phủ Chúa Trịnh

Phân tích và phê phán

"Vũ Trung tùy bút" là tác phẩm gồm tám mươi tám mẩu chuyện nhỏ, được ghi chép một cách tùy hứng, tản mạn, bàn về lễ nghi phong tục và những sự việc xảy ra trong xã hội những năm đầu thời Nguyễn, do Phạm Đình Hổ viết. Trong đó, "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh" là một đoạn trích từ tập sách chữ Hán này. Đoạn trích, tuy ngắn gọn, nhưng đã ghi chép chân thực, cụ thể và sinh động về thú vui xa hoa, hưởng thụ của vua chúa, cùng với sự nhũng nhiễu của bọn quan lại dưới thời Lê - Trịnh. Qua đó, tác giả muốn lên án, tố cáo một xã hội thối nát từ tận gốc, khiến cho dân chúng không thể yên ổn.

Mở đầu đoạn trích, ngòi bút chân thực và không câu nệ của Phạm Đình Hổ giúp người đọc chứng kiến cuộc sống ăn chơi với những thú vui xa xỉ của chúa Trịnh Sâm cùng với bọn quan hầu cận. Là một vị chúa, Trịnh Sâm lẽ ra phải quan tâm đến triều đình và giải quyết các quyết sách cùng nhà vua, nhưng thay vào đó, ông chỉ lo hưởng thụ cuộc sống xa hoa, lãng phí. Chúa Trịnh cho xây dựng đền đài, cung điện bên bờ Tây Hồ để phục vụ mỗi lần ra chơi. Việc "xây dựng đình đài" liên miên ấy chỉ để thỏa mãn cái thú chơi đèn đuốc, "đi chơi ngắm cảnh đẹp" của chúa. Không chỉ ở Tây Hồ, chúa còn cho xây dựng ở nhiều nơi như núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy, gây hao tốn công sức và tiền của người dân nghèo.

Phạm Đình Hổ đặc biệt miêu tả một cuộc dạo chơi của chúa ở phủ Tây Hồ. Khi chúa đến phủ Tây Hồ để thăm thú, Trịnh Sâm thường "ngự ở li cung", binh lính "dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ", các quan lại, nội thần thì "đều bịt khăn, mặc áo đàn bà, bày bách hóa quanh hồ bán". Lúc thuyền chúa ngự tới đâu, lại có những kẻ đại thần ghé vào hàng quán mua đồ "như ở cửa hàng trong chợ". Ở "gác chuông chùa Trấn Quốc hay dưới bóng cây bến đá nào đó", bọn nhạc công phải ngồi tấu nhạc mua vui. Cuộc vui chơi ấy diễn ra tới tận "ba bốn lần" mỗi tháng, gây tốn kém tiền của vô cùng.

Ngòi bút khách quan, chân thực của Phạm Đình Hổ đã vẽ lên bức tranh về cuộc sống ăn chơi, hưởng lạc đầy giả dối, nực cười, lố lăng của vua chúa và quan lại thời Lê - Trịnh. Những thú vui tiêu khiển ấy không chỉ khiến người khác cảm thấy lố lăng mà còn làm hao tốn tiền của, công sức của những người dân lao động lúc bấy giờ. Thông qua những ghi chép cụ thể này, Phạm Đình Hổ âm thầm tố cáo xã hội, vua chúa và tầng lớp quan lại chỉ biết hưởng thụ xa hoa mà không quan tâm đến dân chúng hay các vấn đề của xã hội thời bấy giờ.

Không chỉ có thú hưởng lạc giả dối, lố lăng, khác người, chúa Trịnh Sâm và bọn quan lại còn có thú chơi cây cảnh dị thường. Khắp cung vua, "bao nhiêu loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu cây hoa cảnh chốn nhân gian" đều bị vua "thu lấy", đoạt lấy một cách trắng trợn. Phạm Đình Hổ miêu tả công cuộc đem một cây đa to về tô điểm cho cung vua, phải huy động "một cơ binh mới khiêng nổi", và "bốn người đi kèm, đều cầm gươm, đánh thanh la, đốc thúc quân lính khiêng cho đều tay". Chỉ một thú chơi mà phải huy động đến hàng trăm người, tốn công sức, thời gian và tiền bạc.

Trong phủ, bốn bề "điểm xuyết bày vẽ hình non bộ, trông như bến bể đầu non", và những loài chim, loài vượn được bày vẽ, khiến phủ lúc nào cũng ồn ào như "trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn". Phạm Đình Hổ kín đáo bộc lộ cảm xúc về thú chơi trong phủ chúa: ông cảm thấy dù phủ có nhiều chim muông, thú lạ, cây cảnh đẹp, nhưng lại vang lên tiếng kêu "tan đàn", "mưa sa bão táp", đều là những điều không may. Tiếng kêu của chim, tiếng hú của vượn, phải chăng là tiếng than của muôn loài bị nhốt trong lồng cũi, là tiếng của thiên nhiên đang giận dữ kêu than? Đó như là lời dự đoán về sự sụp đổ của một triều đại thối nát, chỉ biết ăn chơi, hưởng lạc trên mồ hôi, công sức, máu thịt của nhân dân!

Phạm Đình Hổ không chỉ ghi chép về thói ăn chơi vô độ của vua tôi Trịnh Sâm mà còn ghi chép cả thói nhũng nhiễu của bọn quan dưới trướng. Đó là những kẻ nổi lên, được trọng dụng bởi thói nịnh nọt, là tay sai đắc lực trong công cuộc hưởng lạc của vua. Chính thói ăn chơi hưởng lạc của chúa Trịnh đã tạo ra đám tham quan với thói nịnh bợ, nhũng nhiễu. Điển hình, để lấy được vật quý báu của dân chúng như "chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay", chúng bày trò, "nhờ gió bẻ măng", biên hai chữ "phụng thủ" để cướp đi một cách trắng trợn. Chúng còn lẻn vào nhà người ta, "cắt phăng" cây cảnh rồi giá họa, bắt dân bỏ của ra kêu để không bị buộc tội. Với cây cối to lớn, bọn quan lại sai người phá tường để khiêng ra, gây tổn thất cho người dân. Chúng mượn cớ tìm vật báu dâng vua, nhưng thực chất vơ vét tiền của dân làm của riêng, khiến nhà giàu phải "bỏ của ra kêu oan" hay tự tay phá núi non bộ, cây cảnh.

Để chứng minh tính chân thực của câu chuyện, tác giả kể lại câu chuyện của chính gia đình mình. Nhà Phạm Đình Hổ ở Hà Khẩu, Thọ Xương có cây lê "cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xóa thơm lừng", và hai cây lựu trắng đỏ rất đẹp, nhưng vì sợ thói nhũng nhiễu của bọn quan lại dưới trướng chúa Trịnh, "bà cung nhân" nhà ông phải sai người chặt đi để tránh bị quấy nhiễu.

Bằng những câu chữ chân thực, cụ thể và sống động, Phạm Đình Hổ kín đáo bộc lộ thái độ phê phán, phê bình thói ăn chơi hưởng lạc của vua chúa, dẫn đến sự nhũng loạn của đám quan lại dưới quyền. Ông cũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những số phận con người bị áp bức dưới triều đại phong kiến này.

Với lối ghi chép rất chân thực của mình, "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh" của Phạm Đình Hổ đã phơi bày cuộc sống xa hoa với những thú chơi giả dối, lố lăng cùng thói nhũng nhiễu dân chúng của vua chúa và quan lại thời Lê - Trịnh. Không chỉ vậy, ông còn ngầm gửi vào đó sự phê phán xã hội thối nát và đứng về phía những người dân bị áp bức. Đoạn trích vừa giàu tính hiện thực, sinh động với những sự việc người thật việc thật, vừa giàu giá trị nghệ thuật.a