Tác giả Nguyễn Tuân - Cuộc đời và sự nghiệp

Nguyễn Tuân

1. Tiểu sử nhà văn Nguyễn Tuân

  • Năm sinh - năm mất: Nguyễn Tuân sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 và mất ngày 28 tháng 7 năm 1987, hưởng thọ 77 tuổi.

  • Quê quán: Ông sinh ra ở phố Hàng Bạc, Hà Nội và có quê gốc tại thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

  • Gia đình: Xuất thân từ một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn lụi. Cha của ông là Nguyễn An Lan – một nhà nho tài hoa và yêu nước sống dưới chế độ thực dân phong kiến.

  • Thời đại: Sinh ra trong thời kỳ nước mất nhà tan, Nguyễn Tuân đã sớm ý thức về lòng yêu quê hương, đất nước.

  • Cuộc đời: Ngay từ nhỏ, Nguyễn Tuân đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cha mình. Gia đình ông trải qua cuộc sống vất vả, phải di cư qua nhiều tỉnh và nơi ông sống lâu nhất là Thanh Hóa. Khi học đến cuối bậc Thành chung Nam Định (tương đương cấp Trung học cơ sở hiện nay, tiền thân của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định), ông bị đuổi học vì tham gia bãi khóa phản đối giáo viên Pháp nói xấu người Việt (1929). Sau đó, ông bị bắt giam và sau khi ra tù, ông bắt đầu sáng tác văn chương.

    • Năm 1941, ông lại bị bắt giam và gặp gỡ nhiều người hoạt động chính trị.

    • Năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành cây bút tiêu biểu của nền văn học mới.

    • Từ 1948 đến 1957, ông giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.

2. Sự nghiệp văn học của nhà văn Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân không thành công ngay từ những tác phẩm đầu tay. Ông đã thử sức qua nhiều thể loại: thơ, bút ký, truyện ngắn hiện thực trào phúng. Bắt đầu cầm bút từ những năm 1935 và đến 1938 mới nổi tiếng với các tác phẩm như "Vang bóng một thời", "Một chuyến đi",...

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông chân thành đem ngòi bút phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc, nhưng vẫn giữ vững phong cách và cá tính độc đáo. Ông đóng góp cho nền văn học mới nhiều tác phẩm sắc sảo, ca ngợi quê hương, đất nước, và nhân dân lao động.

Các tác phẩm chính sau cách mạng của ông bao gồm tập tùy bút "Sông Đà" (1960), kết quả của chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, một số tập ký chống Mỹ (1965–1975), và nhiều bài tùy bút về cảnh sắc và hương vị đất nước. Ông chủ trương "chủ nghĩa xê dịch", không thích cuộc sống bình ổn, nên ông đi khắp đất nước để tìm những điều mới mẻ, độc đáo.

  • Các tác phẩm của Nguyễn Tuân:

    • "Một chuyến đi" (1938), tùy bút - du ký
    • "Ngọn đèn dầu lạc" (1939), phóng sự
    • "Vang bóng một thời" (1940), tập truyện ngắn
    • "Thiếu quê hương" (1940), tập tùy bút
    • "Chiếc lư đồng mắt cua" (1941), tập tùy bút
    • "Tàn đèn dầu lạc" (1941), tập tùy bút
    • "Tùy bút" (1941), tập tùy bút
    • "Tóc chị Hoài" (1943), tập tùy bút
    • "Tùy bút II" (1943), tập tùy bút
    • "Nguyễn" (1945), tập truyện ngắn
    • "Chùa Đàn" (1946), tiểu thuyết
    • "Đường vui" (1949), tập tùy bút
    • "Tình chiến dịch" (1950), tập bút ký
    • "Thắng càn" (1953), tiểu thuyết
    • "Chú Giao làng Seo" (1953), truyện thiếu nhi
    • "Đi thăm Trung Hoa" (1955), tập bút ký
    • "Tùy bút kháng chiến" (1955), tập tùy bút
    • "Tùy bút kháng chiến và hòa bình" (1956), tập tùy bút
    • "Truyện một cái thuyền đất" (1958), truyện thiếu nhi
    • "Sông Đà" (1960), tập tùy bút
    • "Cô Tô" (1986), ký
    • "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" (1972), tập tùy bút
    • "Ký" (1976)
    • "Tuyển tập Nguyễn Tuân" (tập I: 1981)
    • "Cảnh sắc và hương vị đất nước" (1988), tập tùy bút
    • "Yêu ngôn" (2000, sau khi mất), tập tiểu luận

3. Phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân có phong cách sáng tác độc đáo. Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật của ông có thể gói gọn trong chữ “ngông”. Sự “ngông” này thể hiện ở nhân cách hơn người, đi tìm vẻ đẹp của thời xưa còn sót lại và xoay quanh ba chủ đề chính: “chủ nghĩa xê dịch”, “Vang bóng một thời”, và “Đời sống trụy lạc”.

Sau Cách mạng tháng Tám, sáng tác của ông có bước chuyển mới, không còn đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Văn của Nguyễn Tuân lúc nào cũng vừa cổ kính, vừa trẻ trung và hiện đại.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nổi bật có truyện ngắn “Chữ người tử tù”, ca ngợi những con người tài năng với phẩm chất thanh cao, cái đẹp dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng tỏa sáng, kể cả trong ngục tù tối tăm. Huấn Cao, nhân vật chính, luôn giữ phẩm chất cao đẹp, không bị khuất phục trước cái xấu, cái ác. Thông qua nhân vật này, Nguyễn Tuân khiến người đọc suy ngẫm về cuộc đời và con người.

Một tác phẩm nổi bật khác là “Người lái đò sông Đà” – một đoạn trích trong tùy bút "Sông Đà". Tác phẩm là kết quả chuyến đi ngược dòng cùng bộ đội về Tây Bắc của ông. Nó chỉ ra vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên kỳ bí nơi vùng núi Tây Bắc, để lại trong tâm hồn nghệ sĩ nhiều dấu ấn sâu đậm. Điểm nổi bật của “Người lái đò sông Đà” là tác giả vừa khai thác được vẻ đẹp của thiên nhiên vừa lột tả thành công vẻ đẹp của người nghệ sĩ. Tác phẩm thể hiện tình yêu quê hương đất nước của Nguyễn Tuân.

4. Thành tựu

  • Năm 1996, ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).
  • Hiện nay, ở Hà Nội có một con đường mang tên ông, nối từ đường Nguyễn Trãi cắt ngang qua các phố Nguyễn Huy Tưởng, Ngụy Như Kon Tum đến đường Lê Văn Lương, nối với phố Hoàng Minh Giám