Sức mạnh của tình bạn, tình yêu thương và niềm tin

Biểu tượng cho niềm hy vọng

Những ai đã từng đọc truyện ngắn của nhà văn người Mỹ O’Henry (1862 –1910) hẳn sẽ cảm nhận được một điều: từ hiện thực cuộc sống đầy rẫy những bất công và vô lý, gây ra bao bất hạnh cho những cuộc đời nghèo khổ, nhà văn luôn khơi dậy được vẻ đẹp tâm hồn của con người qua những tình huống truyện bất ngờ và cảm động. "Chiếc lá cuối cùng" là một trong những truyện ngắn xuất sắc của O’Henry, chứa đựng đầy ắp tình thương yêu và niềm tin vào con người, gửi gắm một thông điệp sâu sắc về "tình đời trong chiếc lá" và khẳng định sứ mạng cũng như sức mạnh của nghệ thuật chân chính. Tình người ấy trước hết biểu hiện qua nhân vật cụ Bơ-men, rồi đến nhân vật Xiu.

chiec-la-cuoi-cung-700-1718000061.jpg

Cụ Bơ-men không phải là nhân vật chính, cũng không xuất hiện nhiều trong tác phẩm. Suốt đời cầm bút, cụ luôn mơ ước vẽ được một kiệt tác nhưng chưa bao giờ bắt đầu và tự cho mình là "một người thất bại trong nghệ thuật". Vậy mà lần này, cụ đã làm được một điều kỳ diệu, sáng tạo ra một tác phẩm hội họa đích thực. Khi lên gác, cảm nhận rõ giấc ngủ yếu ớt của Giôn-xi và nhìn qua cửa sổ thấy những chiếc lá trên cây thường xuân rụng gần hết, cụ Bơ-men đã lặng lẽ nhìn Xiu, cô chị kết nghĩa của Giôn-xi, mà không nói lời nào. Tuy không nói ra nhưng hẳn trong tâm trí cụ đang nung nấu một ý nghĩ, một quyết định vô cùng quan trọng. Đối với cụ Bơ-men, hai cô họa sĩ nghèo hàng xóm là những người thân yêu gần gũi như ruột thịt. Cụ hiểu rõ tình trạng bệnh tật và tâm hồn yếu đuối của Giôn-xi. Nhà văn đã không kể tiếp cụ Bơ-men làm gì trong đêm mưa gió ấy mà dùng thủ pháp giấu kín sự việc, ngắt đoạn, đảo ngược thời gian để kể câu chuyện về hai chị em Giôn-xi. Chỉ đến giây phút quan trọng nhất của cuộc đời Giôn-xi, khi cô chiến thắng bệnh tật và dần dần trở lại với sự sống, người đọc mới biết rõ công việc của cụ Bơ-men. Thì ra, trong cái đêm lạnh giá, gió bấc ào ào và mưa đập mạnh vào cửa sổ, người họa sĩ già đã vẽ chiếc lá thường xuân thay cho chiếc lá cuối cùng vừa rụng trên bức tường đối diện với phòng của Giôn-xi. Một mình cụ đã bắc thang, trèo lên tường, cầm đèn bão, mang đầy đủ bút lông và bảng pha màu để sáng tác tác phẩm của mình. Tuổi cao, sức yếu mà dám đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, làm việc âm thầm như thế thật quả là một người dũng cảm. Nhưng không chỉ là hành động dũng cảm, vẽ chiếc lá thường xuân trên tường giữa đêm mưa gió thực sự là một quá trình sáng tạo đầy gian khổ mà hào hứng của cụ Bơ-men. Dường như cụ đã dồn hết tâm hồn, khát vọng và sức lực của đời mình vào tác phẩm. Do đó, đúng như lời nhận xét của Xiu, chiếc lá thường xuân trên bức tường kia "chính là kiệt tác của cụ Bơ-men". Gọi đó là kiệt tác vì chiếc lá giống y như thật, thậm chí còn hơn cả một chiếc lá thật. Nó đã dũng cảm bám vào cuống lá, bám chắc trên tường, mặc cho mưa tuôn, bão thổi. Chính sức sống kiên cường của chiếc lá đã thổi vào tâm hồn cô nghệ sĩ Giôn-xi hơi ấm của niềm tin và nghị lực, kéo cô từ vực thẳm của bệnh tật vươn lên chiến thắng, vượt qua cái chết và trở về với sự sống.

Cùng với cụ Bơ-men, nhân vật Xiu, cô họa sĩ nghèo, cũng được nhà văn khắc họa và ngợi ca qua những sự việc, chi tiết thật cảm động. Tuy chỉ là chị em kết nghĩa, Xiu đã yêu thương và chăm sóc Giôn-xi như em ruột của mình. Ngày ngày, thấy Giôn-xi đếm từng chiếc lá rụng, Xiu tưởng như thần chết đang đến gần căn phòng của hai chị em. Đến ngày cuối cùng, khi nhìn ra ngoài cửa sổ thấy cây thường xuân chỉ còn lơ thơ một hai chiếc lá, Xiu thực sự sợ sệt, nhìn cụ Bơ-men một lát mà không biết nói gì. Khi Xiu kéo tấm mành lên, cô thấy "chiếc lá thường xuân vẫn còn đó" và sung sướng vô ngần khi nghe Giôn-xi đòi ăn cháo, uống sữa, pha rượu vang và hẹn sẽ "vẽ vịnh Na-plơ". Sung sướng hơn nữa là khi bác sĩ báo tin "Chăm sóc chu đáo thì sẽ chiến thắng". Phải chăng cùng với sự khích lệ của chiếc lá dũng cảm - kiệt tác của cụ Bơ-men, tình thương và sự chăm sóc tận tụy của Xiu đã giúp Giôn-xi chiến thắng bệnh tật và vượt qua những yếu đuối trong tâm hồn. Rõ ràng cùng với cụ Bơ-men, nhân vật Xiu cũng góp phần làm đẹp thêm bức tranh tình người bao la, kỳ diệu của câu chuyện "Chiếc lá cuối cùng".

"Tình đời trong chiếc lá" là thông điệp mà O’Henry muốn gửi gắm qua truyện ngắn của mình. Nhà văn đã ngợi ca tình yêu thương và tình bạn thiêng liêng, cao quý, giúp con người vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống