Phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Đà chọn lọc hay nhất.

Kính mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây. Bài viết sẽ cung cấp cho quý bạn đọc mẫu phân tích vẻ đẹp trữ tình của sông Đà qua tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân chọn lọc hay nhất.

Phân tích sông Đà trữ tình và hung bạo chi tiết nhất

Nguyễn Tuân là nhà văn yêu thiên nhiên, cái đẹp. Các tác phẩm của ông chứa đầy những hình ảnh sống động về con người và thiên nhiên, với trọng tâm là ca ngợi cái trước. Một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của Nguyễn Tuân phải kể đến là tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Trong tác phẩm này, con sông Đà được nhìn lên vừa dữ dội vừa hiền hòa, hệt như một dòng sông Tây Bắc xinh đẹp.

Nguyễn Tuân đã quan sát sông Đà ở nhiều thời điểm, nhiều góc độ khác nhau nên có rất nhiều cách cảm nhận về hình dáng con sông này. Khi ngồi trên máy bay nhìn xuống, nhà văn nhận thấy dòng sông như một cái dây thừng ngoằn ngoèo trải ra trên một đại dương núi đá. Hình ảnh này giúp người đọc hình dung được toàn cảnh về độ lớn, độ hoành tráng của dòng sông, nó uốn lượn trải dài gần như toàn bộ vùng Tây Bắc.

Nếu vẻ đẹp của sông Đà chỉ dừng lại ở sự hung bạo thì không có gì xứng đáng với tình yêu của tác giả, chính dòng sông này lại mang trong mình một vẻ đẹp khác, vô cùng thơ mộng, trữ tình làm xao xuyến lòng người: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân". Câu văn dài chỉ một dấu ngắt tay duy nhất kết hợp với điệp từ "tuôn dài" khiến Sông Đà hiện lên như một người thiếu nữ Tây Bắc với vẻ đẹp trữ tình, trẻ trung, duyên dáng, bồng bềnh giữa núi rừng.

Nếu ở trên thượng nguồn, dòng sông hung bạo bao nhiêu thì về đến hạ nguồn dòng sông lại trở nên đằm thắm, dịu dàng bấy nhiêu. Bản thân dòng sông đã mang vẻ đẹp quyến rũ nhưng tác giả còn tô điểm thêm màu sắc, đường nét cảnh vật xung quanh. Sắc xanh của dòng sông càng trở nên nổi bật giữa sắc trắng tinh khôi của hoa ban và sắc đỏ đến nao lòng người của hoa gạo, bức tranh đó lại được ẩn hiện trong lớp sương khói núi Mèo càng tạo nên vẻ đẹp mơ màng, huyền áo, đầy bí ẩn. Đoạn văn còn thể hiện tài hoa của nhà văn trong việc sử dụng ngôn ngữ giữa hai chữ "tuôn dài" thường sẽ có một dấu phẩy nhưng tác giả cố tình phá vỡ cấu trúc ngữ pháp để tô đậm ấn tượng về cái mênh mang, trải dài, mềm mại, duyên dáng của dòng sông. Câu văn còn sử dụng nhiều thanh bằng tạo nên ấn tượng về một dòng chảy êm đềm, nhẹ nhàng. Chính những nét phá vỡ đấy đã cho người đọc thấy được sự say mê của người nghệ sĩ trước vẻ đẹp của đất nước. Câu văn này của Nguyễn Tuân xứng đáng được xếp vào những câu văn đẹp nhất được coi là "tờ hoa" trong nền văn học Việt Nam.

Nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường phát hiện nước Sông Hương thay đổi theo thời gian trong ngày "Sớm xanh trưa vàng chiều tím" thì Nguyễn Tuân lại nhìn thấy nước Sông Đà thay đổi theo mùa trong năm. Mùa xuân "Sông Đà mang sắc xanh ngọc bích". Ẩn đằng sau hình ảnh miêu tả tưởng chừng như đơn giản ấy là vẻ đẹp của nước, về độ trong cũng như ánh sáng trên dòng sông. Bởi để có thể tạo nên sắc xanh đẹp đẽ như sắc ngõ thì đòi hỏi dòng nước phải đạt đến độ trong vắt, dòng chảy êm đềm, ngoài ra còn có ánh sáng chan hòa rực rỡ. Bằng sự từng trải của một người ham mê phong cách xê dịch, nhà văn đã nhận thấy cùng là sắc xanh nhưng chỉ nước sông Đà về mùa xuân mới đạt đến độ trong trẻo và đẹp như thế, còn các dòng sông khác như sông Lô, sông Gâm lại mang màu xanh cánh hến.

Về mùa thu nước sông Đà lại biến đổi hoàn toàn, không còn là màu xanh mà chuyển sang "lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu, "lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về". Câu văn gợi ra một dòng sông chảy chậm, nhẹ nhàng với màu đỏ của phù sa nặng trĩu. Sắc đỏ của dòng sông được miêu tả không chỉ ở bề mặt mà còn ở sâu trong tâm trạng, ở sự bất mãn, bực bội mà phải cảm nhận bằng tâm hồn mới hiểu được. "Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo" vì thế mà Nguyễn Tuân đã có một phép so sánh trường nghĩa đầy táo bạo màu sắc sông giống với màu bệnh lý của khuôn mặt người. Bằng tình yêu của một người say mê nghệ thuật, Nguyễn Tuân đã thẳng thắn phản bác cái tên mà thực dân Pháp đã gọi sông Đà là sông Đen. Nhà văn đã trực tiếp bày tỏ tình cảm yêu mến với sông Đà, niềm tự hào về vẻ đẹp của con sông xứ sở và niềm tự tôn dân tộc sâu sắc.

Nguyễn Tuân với dòng sông Đà không đơn thuần chỉ là quan hệ giữa nhà văn với đối tượng được miêu tả mà còn là giữa những người bạn tri ân, tri kỷ. Tác giả đã dùng một từ rất thiêng liêng và ý nghĩa để gọi sông Đà, đó chính là "cố nhân". Khác hẳn với con thủy quái hung dữ luôn tìm cách đe dọa, tiêu diệt con người ở nơi thượng nguồn. Về đến thượng nguồn sông Đà bỗng trở nên dịu dàng, đằm thắm, trở thành một người bạn luôn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mọi người. Bởi vậy, khi xa dòng sông nhà văn nhớ nó như một người bạn thân thiết. Tác giả dành cho dòng sông một nỗi nhớ da diết, mãnh liệt nên khi gặp lại con sông yêu thương, niềm vui đã vỡ òa tràn ra bề mặt câu chữ.

Nắng chiếu trên dòng sông Đà đẹp đến mê hồn. Nguyễn Tuân đã tạo ra một kết hợp từ độc đáo "Nắng tháng ba Đường thi", trong câu văn có cả màu sắc, thời gian và thi ca. Căn văn đưa người đọc trở về với vẻ đẹp lãng mạn trong thơ Đường " Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu". Ấn tượng để lại trong lòng người đọc là hình ảnh dòng sông phẳng lặng, yên bình, trong sáng và đầy sắc xuân. Cảm xúc được bộc lộ trực tiếp bằng hình ảnh so sánh độc đáo "vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng". Đây là hai hình ảnh so sánh rất lạ vì những đối tượng được đem ra so sánh có sự đối lập nhau. "Nắng giòn tan" là hình ảnh ẩn dụ gợi ra cái nắng trong trẻo, nhẹ nhàng hoàn toàn tương phản với cái u ám trĩu nặng của bầu trời ngày mưa dầm. Đặc biệt "nối lại chiêm bao đứt quãng" là việc gần như không thể có trong đời và nó hi hữu, hiếm hoi bao nhiêu thì đem lại cảm giác sung sướng bấy nhiêu. Cuối cùng, Nguyễn Tuân nhấn mạnh lại một lần nữa cảm giác gặp lại sông Đà bằng hình ảnh so sánh "nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân". Hai từ láy liên tiếp gợi cảm giác ấm áp, trìu mến. Sông Đà trở thành người bạn cũ với bao kỉ niệm, tình yêu thương và nhớ nhung. Hình ảnh dòng sông mang đến cho người đọc những cảm xúc chân thành, vừa mãnh liệt, vừa hết sức nhân văn đó là tính trữ tình toát lên từ tâm hồn, tính cách của dòng sông hạ nguồn.

Từ điểm nhìn của mình, nhà văn đã quan sát và khắc họa những vẻ đẹp hết sức đa dạng và nên thơ cảnh vật ven sông. Một vẻ đẹp tĩnh lặng, yên ả, thanh bình như còn đó dấu tích lịch sử của ông cha ta để lại "cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lý, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến như thế". Hai hình ảnh so sánh độc đáo đặt cạnh nhau "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích xưa" gợi ra vẻ đẹp nguyên sơ, trong trẻo và tĩnh lặng đến tuyệt đối của dòng sông Đà. Chất trữ tình còn được thể hiện rõ nét qua cảnh vật như "nương ngô nhú lên mấy lá non, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp, con hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh". Chỉ vài chi tiết nhỏ nhưng tạo ra ấn tượng về sự tràn đầy sức sống của những bờ đê dọc con sông Đà. Cảnh vật nối tiếp nhau tạo nên một bức tranh thơ mộng, trữ tình bình yên. Biện pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh "đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến" đã khẳng định không gian thanh bình vắng vẻ nơi đây. Tác giả đã chứng minh được vẻ đẹp trữ tình lãng mạn của dòng sông đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca.

Nguyễn Tuân đã tạo nên một bức tranh sông Đà tuyệt đẹp bằng cách sử dụng cảm nhận tinh tế, giác quan nhạy bén, ngôn từ độc lạ và một lối viết tài hoa. Ông đã biến hình ảnh dòng sông trở thành một biểu tượng thể hiện niềm tự hào về thiên nhiên cây cỏ, sông núi và khát khao tìm thấy cái đẹp. Bài tùy bút "Người lái đò sông Đà" là một câu chuyện hiện thực về thiên nhiên và nguồn cảm hứng mãnh liệt say mê với nó của Nguyễn Tuân. Đặc sắc nghệ thuật của nó với nhiều biện pháp tu từ và kho ngôn ngữ phong phú đã làm cho sông Đà trong văn học mãi mãi trở thành một địa danh nghệ thuật.