Nghị luận về thói ích kỉ

thói ích kỉ

Có ai đó đã từng nói: “Khi khoa học cuối cùng tìm ra trung tâm của vũ trụ, nhiều người sẽ ngạc nhiên vì biết rằng mình không phải là nó.” Tư tưởng cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ chính là một cách diễn đạt khác của sự ích kỷ.

Vậy sự ích kỷ là gì? Ích kỷ là lối sống chỉ biết nghĩ đến bản thân, luôn suy tính thiệt hơn, lúc nào cũng chăm chăm vun vén cho lợi ích cá nhân mà thờ ơ, vô cảm, thậm chí sẵn sàng chà đạp lên hạnh phúc của người khác để đạt được mục đích của mình.

Sự ích kỷ thể hiện từ những hành động nhỏ nhặt, như không muốn hướng dẫn bài tập cho bạn bè trong lớp vì sợ mất thời gian, sợ rằng bạn sẽ giỏi hơn mình; hay ganh ghét, đố kị khi thấy hàng xóm “ăn nên làm ra” hơn nhà mình. Lớn hơn nữa, ích kỷ là khi ta tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự vì sợ khó, sợ khổ, mà không nghĩ rằng nếu đất nước lâm nguy, ai sẽ là người cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Hay khi bạn sẵn sàng ăn cắp ý tưởng của đồng nghiệp để đem lại lợi lộc, thành tích cho mình.

Ích kỷ là một lối sống tiêu cực mà bất cứ ai cũng dễ dàng mắc phải. “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó” (Hồ Chí Minh). Ích kỷ khiến con người trở nên xấu xa, hẹp hòi. Họ không còn biết vui cho niềm vui của người khác, buồn cho nỗi buồn của người khác, luôn mong muốn mình hơn người khác. Dần dần, họ sẽ tự cô lập bản thân với xã hội, trở nên cô đơn và bị bạn bè xa lánh. Sự ích kỷ cũng là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh vô cảm, bởi khi quá đề cao lợi ích cá nhân, con người trở nên thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống của những người xung quanh. Trong một xã hội có quá nhiều người ích kỷ, sự hòa nhập và phát triển sẽ bị cản trở. Chính sự ích kỷ và lòng tham vô đáy của một số người đã dẫn đến những vụ tham ô hàng chục tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, chà đạp lên cuộc sống của người dân để hưởng lợi cho mình. Vì những người như thế, đời sống của nhân dân vẫn khó khăn, và chúng ta mãi không thể vươn lên sánh vai với bạn bè quốc tế.

Nhà văn Trung Quốc Cố Tây Tước trong cuốn tiểu thuyết “Nơi nào đông ấm” đã viết: “Ai mà không ích kỷ nghĩ cho mình, đó là chuyện thường tình. Không ích kỷ, có mà là thánh nhân, mà thánh nhân thì không tồn tại ở thế giới này.” Đúng vậy, chúng ta không thể phủ nhận sự ích kỷ là một cảm xúc vẫn luôn tồn tại trong mỗi con người. Nhưng để cùng tồn tại và phát triển, con người phải biết hạn chế tối đa những điều đó để cùng chung sống và dựng xây tương lai tốt đẹp. “Tuổi trẻ chấm dứt khi tính vị kỷ kết thúc; sự trưởng thành bắt đầu khi ta sống vì người khác.” (Hermann Hesse). Ngay từ lúc này, hãy dành thời gian quan sát và quan tâm đến những người xung quanh, biết gỡ bỏ cái tôi của mình khi cần thiết, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Hãy giao lưu hòa nhập với bạn bè, sẵn sàng tham gia các hoạt động đoàn thể để phá vỡ lớp băng bao phủ quanh mỗi người, không ngừng rèn luyện bản thân bằng cách giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Hạn chế và loại bỏ sự ích kỷ không phải điều đơn giản, nhưng đó là một quá trình xứng đáng! Thật đáng xấu hổ cho những con người vị kỷ, ham danh lợi mà bỏ quên, chà đạp lên quyền lợi của người khác. Đó là những người đáng phê phán, làm chậm sự phát triển chung của toàn xã hội.

“Con người hay phạm một ít sai lầm, ví như lúc mất đi rồi mới phát hiện người luôn bên cạnh làm bạn với mình đã không còn nữa. Lúc bàn tay trống rỗng mới ý thức được thứ còn lại mà bản thân mình có chỉ là tham lam cùng ích kỷ vô cùng tận” (Thiên Hạ Vô Bệnh). Bạn ơi, đừng mãi ích kỷ để rồi sau này chính chúng ta sẽ là người hối hận…