Bị lừa đảo vay tiền bằng thông tin cá nhân: Nạn nhân có phải trả nợ?

Thời đại số khiến việc bảo vệ thông tin cá nhân trở nên thiết yếu, tuy nhiên, kẻ xấu luôn tìm cách lừa đảo. Bài viết này cung cấp thông tin chi tiết về cách xử lý khi bạn bị lấy cắp thông tin cá nhân để vay tiền.
lua-dao-233-1711342261.jpg

1. Chiêu trò đánh cắp thông tin để vay tiền hiện nay

Đầu tiên, bạn cần biết những thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng để lấy cắp thông tin cá nhân, từ đó bạn có thể nâng cao cảnh giác hơn.

1.1 Đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội

Lợi dụng những nền tảng có nhiều người sử dụng như: Facebook, Instagram, TikTok, Shopee… Từ đó truy cập vào những tài khoản không được bảo mật kỹ để lấy cắp thông tin.

1.2 Lừa đảo qua email hoặc tin nhắn điện thoại

Kẻ gian lận có thể gửi email giả mạo các tổ chức tài chính hoặc gửi tin nhắn điện thoại yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như: Chứng minh nhân dân, số thẻ tín dụng hay phổ biến nhất là mã OTP để lấy thông tin, tệ hơn là hack thẻ ngân hàng hoặc điện thoại của người dùng.

1.3 Mua bán thông tin cá nhân trên những trang web đen

Thông tin cá nhân có thể được mua bán trên các diễn đàn mạng không hợp pháp, đây là nơi mà kẻ gian có thể mua thông tin cá nhân đã bị đánh cắp từ các vụ vi phạm dữ liệu hoặc từ nhiều nguồn khác nhau.

Vì thế, để bảo vệ bản thân, bạn phải luôn cảnh giác và tuân thủ các biện pháp an ninh mạng như không chia sẻ thông tin cá nhân trực tuyến, sử dụng mật khẩu mạnh và duy trì phần mềm bảo mật cấp cao. Ngoài ra, quản lý các tài khoản tài chính có thể giúp bạn phát hiện sớm các hoạt động lừa đảo.

2. Bị người khác lấy cắp thông tin vay tiền phải làm gì?

Hiện nay, kẻ xấu vẫn có nhiều thủ đoạn tinh vi để lấy cắp thông tin cá nhân để lừa đảo vay tiền, trong trường hợp là người bị hại thì sau đây là những điều bạn cần làm để giảm thiểu rủi ro nhất có thể.

  • Khoá tài khoản ngân hàng/thẻ tín dụng: Lập tức liên hệ với những công ty tài chính, ngân hàng bạn đang sử dụng để khoá thẻ. Hoặc bạn cũng có thể chủ động khoá thẻ trên các ứng dụng ngân hàng để ngăn chặn việc tiền bị mất.
  • Liên hệ với công ty tài chính bạn đang dùng: Khi bạn nghi ngờ mình bị lừa đảo lấy cắp thông tin để vay tiền, hãy gọi ngay cho tổ chức tài chính/ngân hàng mà kẻ xấu vay để tố giác. Từ đó công ty tài chính/ngân hàng sẽ đưa ra những phương án giải quyết, đồng thời có thể giúp bạn khóa tài khoản ngân hàng để đảm bảo không phát sinh khoản vay nào khác từ kẻ xấu.
  • Thay đổi mật khẩu và thông tin đăng nhập: Nếu thông tin đăng nhập của bạn đã bị rò rỉ, đổi mật khẩu ngay lập tức. Đảm bảo bạn sử dụng mật khẩu mạnh và nhiều lớp bảo vệ.
  • Báo cáo cho các cơ quan chức năng: Nếu bạn phát hiện thông tin cá nhân của mình đã bị lấy cắp hoặc sử dụng trái phép, bạn nên báo cáo cho công an hoặc cơ quan pháp luật để hỗ trợ bạn trong việc điều tra và ngăn chặn hoạt động phi pháp.
  • Kiểm tra tài khoản: Theo dõi tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hay những hoạt động tài chính khác có phát sinh bất kỳ biến động bất thường nào hay không. Nếu bạn phát hiện bất kỳ hoạt động nào không phải của mình, hãy tiếp tục báo cáo ngay cho ngân hàng hoặc tổ chức tài chính.

3. Bị đánh cắp thông tin để vay tiền, nạn nhân có phải trả nợ?

Trong một số trường hợp, thì nạn nhân của việc đánh cắp thông tin để vay tiền không phải chịu trách nhiệm trả nợ. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố pháp lý cụ thể cũng như việc người bị hại có thể chứng minh được khoản vay đó không phải của mình. Để rõ hơn bạn có thể xem qua những quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

  • Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay.
  • Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
  • Theo đó, quan hệ vay tiền chỉ được hình thành khi có sự thỏa thuận giữa các bên là bên cho vay và bên vay về việc vay tiền, giao tiền cho vay, hạn trả nợ, lãi suất (nếu có).

Ngoài ra, tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay, trường hợp vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn.

Tóm lại, theo các quy định trên thì bên vay tài sản mới là người có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay. Vì thế nếu một người bị lấy cắp thông tin nhưng trên thực tế lại không vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ. Tuy nhiên như đã nói ở trên, người bị lấy cắp thông tin phải chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền.