Bài văn thuyết minh về cây đa (Mẫu 4)

Gợi ý Bài văn thuyết minh về cây đa (Mẫu 4)

Tôi đọc bài viết hoài niệm về giếng làng của tác giả Trần Văn Lượng một người con quảng văn, sống tại TP HCM. Tôi nghĩ rằng thời xa xưa mỗi làng quê Việt Nam đều gắn liền cây đa, giếng nước, đình làng đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Quê hương chúng ta có bài viết về đình làng, giếng nước thế rồi trong lòng tôi lại ấp ủ trào dâng ý tưởng đến cây đa, nơi chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Bởi vậy tôi mạo muội đôi dòng ký ức về cây đa,bản thân cũng không rõ lắm nguồn gốc cây đa làng ta trồng từ bao giờ. Theo tôi suy đoán phải chăng ông cha chúng ta khi xây dựng đình làng, miếu mạo thì nghỉ đến trồng cây đa và đào giếng làng có lẽ công việc thẩm định này phải xin nhờ đến các bậc tiền bối và các nhà sử học…Tuổi thơ tôi cũng như bao thế hệ lớn lên từ làng quê yêu dấu, nơi chôn rau cắt rốn và ra đi trên mọi nẻo đường đất nước. Tôi còn nhớ hồi đó có sự may mắn, gia đình tôi sống gần cây đa, khoảng hơn năm trăm mét. Hằng ngày mỗi lần ra chợ, tắm con sông quê hương tôi và bạn bè cùng trang lứa thường đi qua con đường có lũy tre xanh và cây đa này. Cây đa được trồng cách đình làng khoảng hai trăm mét cạnh bến xóm Nam, còn gọi là xóm Đình, nằm trong khuôn viên chợ Mai. Cây đa cổ thụ, vóc dáng cao lớn, sừng sững uy nghiêm, đứng trên thế đất cao vững chải tựa như người lính đứng canh giữ hòn đảo thân yêu giữa trùng khơi.

Đường kính gốc cây khoảng hai người lớn ôm mới xuể. Thân cây xù xì, có nhiều u bướu màu nâu đen, uốn lượn vươn ra hướng bờ sông xanh trong, mặn nồng. Mang theo nhiều rễ phụ đâm ra tua tủa lơ lửng lưng trời giống “ chòm râu ” trong thật tuyệt vời. Dưới gốc cây đa nào là rễ chính, rễ phụ, rễ ngang, rễ dọc đua nhau bám sâu vào lòng đất. Có một số rễ mọc ngoằn ngoèo nổi lên như con rồng hội tụ vào gốc cây. Tán lá xum xuê xanh rờn, lá đa to bằng bàn tay người lớn. Mỗi dịp tết đến Xuân về, hay những buổi trưa hè oi ả, hoặc đến mùa quả chín. Vui nhất là sau các trận bóng đá kịch tính tại sân trường.

Lũ trẻ chúng tôi đa phần là con cháu “ xóm Đình tụ họp ”, lứa tuổi từ năm đến mười lăm tuổi, nay ở độ tuổi trung niên. Một số thành ông bà nội ngoại lại kéo nhau về nô đùa, vui chơi, thay nhau trèo cây hái quả đa da căng tròn chính mọng, to bằng ngón tay cái, dài khoảng hai đốt ngón tay, màu vàng đỏ.

Trong ruột quả có nhiều sợi mềm hạt nhỏ li ti như hạt vừng đen. Khi ăn có vị ngọt thơm lừng. Nếu quả đa tuổi đang xanh thì thịt chắc và vị chát. Có lúc ngẫu hứng, chúng tôi thi nhau hái lá đa, chọn những lá to bản, đẹp vừa ý, cắt một phần ba đầu cuống lá tạo dáng hai cái sừng trâu. dùng một sợi dây dài khoảng độ một gang tay người lớn, nhỏ như sợi chỉ buộc vào đầu cuống lá xuyên ra sau. Đồng thời uốn gấp tròn phần lá còn lại, kéo sợi dây tạo thành “con trâu” thật hiền lành, dễ thương. Rồi trên tay mỗi đứa trẻ cầm một “con trâu lá đa” cứ thế từng cặp trâu cho húc đầu vào nhau, y hệt lễ hội “ chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng ” trên ngọn cây đa cao vút, có tổ chim quạ to tướng lũ trẻ chỉ biết ngắm nhìn mỗi khi Quạ mẹ kiếm được mồi bay về tổ cho Quạ con thật tình cảm ấm áp như tình người. Ở Làng cứ hai đến ba tháng “ đến hẹn lại lên ” có một đến hai tối mọi người được thưởng thức chương trình phim nhựa màn ảnh rộng chiếu ngoài trời nay gọi là phim bải. Tại gốc cây đa này lại rộn ràng tiếng hát, tiếng thuyết minh phim của các “ liền anh, liền chị ” ánh điện tỏa sáng lung linh hòa lẫn với tiếng máy phát điện, tiếng loa đài phóng thanh ồn ào náo nhiệt. Riêng lũ trẻ chúng tôi thì đùa giỡn, nghịch ngợm đi lại lộn xộn, mất trất tự ảnh hưởng đến sự chăm chú của người xem…Bây giờ nghỉ lại thật là vui.

Ngoài ra cũng tại gốc cây đa này chứng kiến người cán bộ xã tận tụy với công việc, hết mình vì dân đêm đêm tay cầm đèn bão như con mắt thần quan sát mực nước lên xuống trong mùa mưa lũ. Cập nhật thông tin, báo động cho dân làng khi có nguy cơ cao và tìm phương án tốt nhất di chuyển dân đến địa điểm an toàn. Thời gian cứ thế thấm thoắt trôi đi, lịch sử là một dòng chảy liên tục, thời gian không bao giờ trở lại. Vì điều kiện công việc lâu lâu lại có dịp về quê, thời gian eo hẹp. gần đây tôi có tâm sự với anh Phạm Văn Mùi nguyên chủ tịch UBND xã Quảng Văn nay có cháu nội, ngoại. tuy nhiên sức khỏe của anh đang còn sung mãn lắm. Anh bảo: “ hiện tại cây đa không còn nữa… ” theo tôi xã nên có kế hoạch triển khai trồng lại cây đa theo đúng vị trí quy hoạch tổng thể của xã nông thôn mới, để “ trả lại tên cho em ” xứng tầm với cây đa, là bảo vật xã nhà. giờ đây hình ảnh cây đa thân quen không có nữa, chỉ là trong kí ức của mọi người. điều quan trọng đó là cả tấm lòng, tình cảm của chúng ta dành cho thế hệ mai sau.