Ghi nhận biến thể JN.1, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm nhắc lại vaccine Covid-19

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã ghi nhận biến thể phụ JN.1 của Omicron ở bệnh nhân Covid-19 nhập viện trong tháng 12/2023. Biến thể này được cho là nguyên nhân gây gia tăng số ca mắc và tử vong tại một số nước.
vacxin-1706172487.jpg

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể JN.1 thuộc nhóm biến thể cần quan tâm, không có bằng chứng độc lực tăng lên dù số mắc có dấu hiệu tăng.

Việc TP. HCM ghi nhận biến thể này thì dự kiến số ca mắc có thể gia tăng, nhưng không gây bệnh nặng. Vì thế, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, song cũng không được chủ quan, nhất là với nhóm người có nguy cơ cao như sức đề kháng kém, có bệnh nền...

Bộ Y tế khuyến cáo một số trường hợp cần tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 để phòng bệnh, bao gồm:

  • Người từ 50 tuổi trở lên và có bệnh nền
  • Phụ nữ mang thai
  • Người chưa tiêm vaccine Covid-19 mũi nào

Thời gian tiêm nhắc lại khuyến cáo từ 9 tháng đến 1 năm sau mũi tiêm cuối cùng.

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam còn hơn 432.000 liều vaccine Covid-19 Pfizer có hạn dùng đến cuối tháng 9/2024. Số vaccine này có thể sử dụng tiêm nhắc cho nhóm có chỉ định như trên.

Chương trình tiêm chủng mở rộng đang bảo quản chặt chẽ, đúng quy trình số vaccine này.

Đến nay, các tỉnh, thành đã tổng hợp hơn 100.000 người có nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 nhắc lại. Do đó, Bộ Y tế sẽ phân bổ vaccine để tiến hành tiêm chủng cho đối tượng có nguy cơ.

Năm 2023, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trong 2 tuần đầu năm 2024, đã ghi nhận hơn 400 ca mắc mới và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố. Số mắc tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện cũng tăng, nhưng không có trường hợp nặng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình và chuẩn bị sẵn sàng các phương án với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.