Định nghĩa, đặc điểm và phân loại truyện cổ tích

Truyện cổ tích là thể loại văn học dân gian tập hợp những câu chuyện hư cấu, mang hơi hướng thời cuộc có đặc điểm được kể dưới dạng truyện ngắn xảy ra trong đời sống thường ngày của con người, kết hợp với màu sắc huyền ảo kết hợp với trí tưởng tượng nhằm thể hiện ước nguyện có được cuộc sống an vui, công bằng của con người.

1. Truyện cổ tích là gì?
Truyện cổ tích là thể loại văn học dân gian tập hợp những câu chuyện hư cấu, mang hơi hướng thời cuộc có đặc điểm được kể dưới dạng truyện ngắn xảy ra trong đời sống thường ngày của con người, kết hợp với màu sắc huyền ảo kết hợp với trí tưởng tượng nhằm thể hiện ước nguyện có được cuộc sống an vui, công bằng của con người. Đặc điểm của truyện cổ tích chính là sự xuất hiện của các yếu tố kì ảo như phép màu, thần linh nhằm phản ánh niềm tin của con người vào luật nhân quả, rằng ở hiền thì sẽ gặp lành, và kẻ ác sẽ bị trừng trị.
Thông qua sự quan sát, chiêm nghiệm và những biến chuyển trong đời sống đương thời, những câu chuyện cổ tích lần lượt xuất hiện nhằm thể hiện khát vọng sống thiện của mọi người, thể hiện nhu cầu được sống tự do với đam mê và nguyện vọng, góp phần xây dựng xã hội công bằng. Bởi mang âm hưởng tư tưởng thời đại là thế, các chi tiết về nơi chốn và quê hương không được nêu cụ thể, cộng với tính chất truyền miệng của văn học dân gian đã khiến những câu chuyện cổ tích trở thành thể loại văn học dân gian có nhiều dị bản nhất. Mỗi vùng miền lại có một phiên bản cổ tích khác nhau, tạo ra sự đa dạng về văn học dân gian Việt Nam.
2. Các đề tài của truyện cổ tích
Tựu chung, đề tài của truyện cổ tích xoay quanh những vấn đề nhức nhối trong xã hội cũ, lấy bối cảnh làng quê quen thuộc làm trọng điểm. Với sự xuất hiện các tuyến nhân vật trái ngược, những câu chuyện cổ tích được kể lại nhằm làm rõ nỗi niềm của con dân trong xã hội cũ, vạch trần những bất công, oan trái mà người nông dân, đại diện cho bên Thiện, phải chịu những áp bức bóc lột như thế nào. Qua đó, người đọc có thể nhìn thấy văn hóa ứng xử của con người trong giai đoạn xưa, những phong tục, tập quán đã thất truyền, cũng như hiểu rõ hơn về những xung đột giai cấp, được thể hiện qua những tình tiết trong câu chuyện cổ tích.
Các tuyến nhân vật được chia làm 2 nhóm chính, nhóm người chính nghĩa, hiền lành đại diện cho sự lương thiện và những con người độc ác, thâm hiểm đại diện cho phe phản diện. Hai tuyến nhân vật song hành ngụ ý rằng lương thiện và hiểm ác luôn tồn tại song hành bên trong mỗi chúng ta. Thông qua đặc điểm này của truyện cổ tích, ta có thể nhìn thấy quan điểm duy tâm của người Việt: từ lâu về trước, con người Việt Nam đã có một niềm tin vào sự tồn tại của đấng sáng thế cũng như sức mạnh của họ. Điều này cho phép họ có cơ sở lý giải những hiện tượng tự nhiên diễn ra xung quanh, góp phần củng cố cho mong ước sống thiện của mình.
Dựa vào định nghĩa này, có thể chia đề tài xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích thành hai loại chính: truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt. Được sinh ra trong quá trình sinh hoạt của người bình dân, các thể loại truyện cổ tích ghi nhận những sự việc diễn ra trong cuộc sống, rồi chuyển hóa nó thành những câu chuyện kể, góp phần làm giàu cho văn hóa dân gian Việt Nam.