Tết Đoan Ngọ ăn thịt vịt: 3 món ngon từ vịt vừa ngon vừa dễ làm, học để chế biến ngay

Hà Nhiên
Thịt vịt là món ăn lý tưởng để cân bằng nhiệt – hàn giữa trời và người, đặc biệt phù hợp trong tiết trời nóng bức của Tết Đoan Ngọ.

Ý nghĩa và tác dụng của thịt vịt trong dịp Tết Đoan Ngọ

Theo quan niệm truyền thống, vào ngày Tết Đoan Ngọ, dương khí lên cao, nên ăn thịt vịt có tính hàn để giải nhiệt và làm mát cơ thể.

Tháng 5 trở đi cũng là thời điểm vịt bắt đầu vào mùa, những con vịt béo ngậy, thịt ngon và không còn mùi hôi, rất thích hợp để chế biến các món ăn trong dịp này.


Thịt vịt không chỉ giúp cân bằng nhiệt độ cơ thể mà còn là lựa chọn hoàn hảo cho mâm cơm gia đình.

Tác dụng Đông y Của thịt vịt

Theo dược lý Đông y, thịt vịt, còn được gọi là “Gia Áp” hoặc “Vụ,” có tính mát, ngọt (hơi độc). Thịt vịt giúp chuyển động phong huyết, tăng cường năng lượng và bồi bổ cơ thể cho người lao lực, lao tâm nhiều. Ngoài ra, thịt vịt còn có công dụng chữa nóng sốt cao, giải độc mụn sưng và hạ nhiệt.

1. Vịt luộc

Nguyên liệu làm món vịt luộc ngon

1 con vịt (1.5 - 2kg)

Gừng tươi: 2 củ

Hành khô: 1 củ

Muối hạt

Rượu trắng

Cách làm món vịt luộc ngon ngọt

Bước 1: Sơ chế vịt

Bạn có thể ra chợ hoặc siêu thị mua sẵn vịt đã làm sạch lông để tiết kiệm thời gian. Về bạn chỉ việc sơ chế để khử sạch mùi tanh, hôi của vịt.


Bước 2: Khử mùi hôi tanh cho thịt vịt

Đây là bước quan trọng, mặc dù đã làm sạch phần lông, cắt bỏ phao câu nhưng thịt vịt vẫn sẽ có mùi đặc trưng, nếu không sơ chế sẽ có mùi hơi khó chịu khi ăn.

Dùng muối hạt và gừng đập dập để chà xát cả trong và ngoài con vịt rồi rửa sạch lại với nước. Gừng có tác dụng khử mùi hôi vịt hiệu quả và giúp vịt thơm hơn khi luộc.

Sau đó dùng rượu trắng (có thể dùng giấm gạo) để rửa vịt rồi xả lại với nước, chắc chắn vịt sẽ không còn mùi hôi.

Bước 3. Luộc vịt

Bắc một nồi nước lên bếp đun, đổ lượng nước đủ để ngập hết phần vịt. Thịt vịt ngon phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu và cách luộc vịt, vì vậy nên cho vào 1 củ gừng đập dập, hoặc 1 củ hành khô nướng. Các nguyên liệu này sẽ giúp món vịt luộc có mùi hương thơm lừng và vô cùng hấp dẫn.

Luộc vịt trong khoảng 20 - 25 phút, khi thấy phần nước đã cạn hơn, dùng 1 chiếc đũa chọc vào phần thịt vịt nếu không chảy ra nước màu đỏ là vịt đã chín. Sau đó tắt bếp, vớt vịt ra để nguội.

Bước 4: Chặt vịt thành từng miếng vừa ăn rồi thưởng thức.

Thịt vịt vừa chặt xong, chỉ cần chấm vào chén nước mắm gừng là đủ để người ăn cảm thấy thú vị bởi miếng thịt mềm ngọt, phần da giòn giòn thấm vào nước mắm vừa mặn vừa chua ngọt vừa nồng cay hương gừng.

2. Vịt om sấu

Vịt om sấu là món ăn đặc trưng của miền Bắc, được nhiều gia đình ưa thích trong ngày hè nóng bức. Vị chua thanh của sấu kết hợp với thịt vịt béo ngậy, mềm thơm, tạo ra món ăn lạ miệng.

Vịt sau khi được xào săn, ngấm gia vị, bạn cho nước dừa, sấu tươi vào om trong khoảng 20 phút. Khi thịt vịt chín mềm, bạn thêm khoai sọ, dầm sấu, nêm nếm gia vị vừa ăn. Mùi tàu, rau ngổ giúp món ăn đẹp mắt, nhiều mùi vị hơn.

3. Vịt nấu măng

- Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu

Đầu tiên, bạn rửa sạch vịt với nước. Sau đó, xoa lên da vịt 1 ít muối hạt cùng gừng băm và 50ml rượu trắng để loại bỏ hết chất nhờn và mùi tanh.

Sau đó, bạn rửa lại vịt với nước và chặt thành từng miếng nhỏ.

Măng tươi rửa sạch, ngâm trong hỗn hợp nước muối loãng khoảng 5 phút rồi rửa lại 1 lần nữa. Thái măng thành dạng sợi dài. Rửa sạch hành lá, rau sống. Cắt nhỏ hành lá.

- Bước 2: Nấu vịt xáo măng

Bạn cho vào chảo khoảng 2-4 thìa canh dầu ăn và chiên vàng phần thịt vịt đã chặt nhỏ.

Tiếp theo, bạn phi thơm 1 thìa cà phê hành băm rồi đổ phần măng đã sơ chế vào đảo khoảng 3 phút cho măng chín. Sau đó, vớt măng ra đĩa riêng.

Cho phần thịt vịt đã chiên qua vào nồi cùng khoảng 1 lít nước, 1 thìa cà phê muối và 1 thìa cà phê hạt nêm. Đậy vung chờ sôi, sau đó thả phần măng vừa chiên vào cùng, giảm nhỏ lửa và om khoảng 10-15 phút.

- Bước 3: Pha nước mắm gừng

Bạn cho vào bát: 2 thìa canh nước mắm, 1/2 thìa canh đường kính, 1 thìa canh nước cốt chanh và khuấy đều. Cuối cùng, thêm 1 thìa cà phê gừng băm, 1 thìa cà phê ớt băm và khuấy đều là xong.

- Bước 4: Hoàn thành món ăn

Bạn cho bún vào bát, gắp thịt vịt lên trên và chan phần nước dùng vào. Sau đó, rưới ít mắm ớt gừng và hành lá cắt nhỏ vào bát là có thể thưởng thức được rồi.

Vì sao người Việt lại ăn thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ?
Thông thường, người Việt tránh ăn thịt vịt vào đầu tháng, nhưng trong Tết Đoan Ngọ, món ăn này lại trở nên đặc biệt. Người miền Trung tin rằng vịt vào mùa này béo, ngon và không có mùi hôi. Người miền Nam thì ăn thịt vịt vào dịp này để giải xui, mong muốn may mắn hơn. Thịt vịt có tính mát, ngọt, giúp cân bằng nóng - lạnh trong thời tiết nóng nực của Tết Đoan Ngọ, đồng thời bổ sung dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe.