Tác giả Nguyễn Dữ - Cuộc đời và sự nghiệp

Nguyễn Dữ
  1. Tiểu sử nhà văn Nguyễn Dữ
  • Ngày sinh: Năm sinh và năm mất của Nguyễn Dữ chưa được xác định rõ.

  • Quê quán: Ông quê ở xã Đỗ Tùng, huyện Gia Phúc, tỉnh Hải Dương.

  • Gia đình: Xuất thân từ một gia đình khoa bảng, Nguyễn Dữ là con trai cả của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu.

  • Thời đại: Nguyễn Dữ là một danh sĩ thời Lê sơ và nhà Mạc, sống đồng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ 16. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa ba người, chủ yếu được truyền miệng qua dân gian, hiện đang bị giới nghiên cứu văn học sử nghi ngờ do thiếu chứng cứ lịch sử.

  • Cuộc đời: Nguyễn Dữ từ nhỏ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều và có lý tưởng nối nghiệp gia đình bằng văn chương. Sau khi đậu Hương tiến (Cử nhân), ông làm quan cho nhà Mạc, rồi chuyển sang làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) dưới triều Lê. Nhưng chỉ sau một năm, ông xin từ quan với lý do chăm sóc mẹ và về sống ẩn dật ở núi rừng Thanh Hóa. Từ đó, ông không quay trở lại chốn thị thành và mất tại Thanh Hóa.

Phần thân thế của Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác "Truyền kỳ mạn lục" vẫn còn nhiều điểm khác biệt giữa các nguồn tài liệu. Theo bản "Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú" in năm 1763, tên tác giả là Nguyễn Dư. Trong "Việt Nam văn học sử yếu" (bản in lần thứ nhất, 1944) của Dương Quảng Hàm, tên in đầu sách là Nguyễn Dữ nhưng ở cuối sách, tác giả đính chính lại là Nguyễn Dư. Theo Nguyễn Cẩm Xuyên, tên tác giả "Truyền kỳ mạn lục" là Nguyễn Dư (阮 璵). Chữ 璵 thuộc bộ Ngọc, nghĩa là một loại ngọc quý; từ điển giải thích cách đọc chữ này là "Dư" chứ không phải "Dữ". Bản "Truyền kỳ mạn lục" do Nhà xuất bản Trẻ & Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP. HCM in lại năm 1988 cũng nêu rõ sai lầm này, và Hà Mâu Nhai & GS. Hoàng Như Mai đã giải thích rằng: "Có lẽ do số đông không để ý, đọc mãi thành thói quen".

  1. Sự nghiệp văn học của nhà văn Nguyễn Dữ

Nguyễn Dữ chỉ có một tác phẩm duy nhất là "Truyền kỳ mạn lục" (Ghi chép tản mạn những truyện kỳ lạ được lưu truyền). Theo lời tựa của Hà Thiện Hán viết năm 1547, ông viết tập sách này trong thời gian ẩn cư ở rừng núi Thanh Hóa.

"Truyền kỳ mạn lục" gồm 20 truyện, viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn xen lẫn biền văn và thơ ca. Cuối mỗi truyện (trừ truyện 19 "Kim hoa thi thoại ký") đều có lời bình của tác giả hoặc của người có cùng quan điểm với tác giả. Tác phẩm được Hà Thiện Hán, người cùng thời, viết lời tựa, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉnh lý, Nguyễn Thế Nghi dịch ra chữ Nôm, và được Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (1702-?) đánh giá là một "thiên cổ kỳ bút".

  1. Về các tác phẩm tiêu biểu

Tác phẩm duy nhất của Nguyễn Dữ là "Truyền kỳ mạn lục", gồm 20 truyện. Trong đó, hai truyện tiêu biểu và nổi tiếng nhất gắn liền với tên tuổi của ông là "Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên" và "Chuyện người con gái Nam Xương".