Những lỗi vi phạm giao thông nào bị tước GPLX? Thời hạn tước giấy phép lái xe tối đa là bao lâu?

1. Những lỗi vi phạm giao thông bị tước GPLX

Căn cứ theo Nghị định Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định các trường hợp bị CSGT tước bằng lái xe đến 2 năm gồm:

- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.

- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.

Ngoài bị tước bằng lái xe, người lái ô tô vi phạm 4 lỗi trên sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Người lái xe máy vi phạm 4 lỗi trên cũng bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.

CSGT lưu ý, trong thời gian bị tước quyền sử dụng bằng lái xe, người bị tước không được điều khiển phương tiện ghi trong giấy phép lái xe bị tước quyền sử dụng để tham gia giao thông, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiếp với lỗi không có giấy phép lái xe.

2. Thời hạn tước giấy phép lái xe tối đa là bao lâu?

Theo Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn được thực hiện như sau:

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

- Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp sau:

+ Đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép;

+ Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.

- Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động theo quy định nêu trên từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước, đình chỉ được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì thời hạn tước, đình chỉ có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung thời gian tước, đình chỉ; nếu có tình tiết tăng nặng thì thời hạn tước, đình chỉ có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ.

Như vậy, theo quy định nêu trên, thời hạn tước giấy phép lái xe sẽ tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà thời hạn tước sẽ từ 01 tháng đến 24 tháng.