Nghị luận về thói nói dóc, nói dối

thói nói dóc, nói dối

Trung thực, thật thà luôn là đức tính vô cùng đáng quý trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta thường xuyên gặp phải những lời nói dối trong nhiều tình huống khác nhau. Đa phần những lời nói dối này đều gây hại và hoàn toàn sai trái, và thật đúng khi nói rằng: Nói dối có hại cho bản thân.

Nói dối là khi nói những điều không đúng sự thật, sai lệch với thực tế, dù là vô tình hay cố ý. Trong cuộc sống, chúng ta thấy nhiều trường hợp người ta nói dối có chủ đích. Chẳng hạn, một bác sĩ có thể nói dối bệnh nhân ung thư về tình trạng bệnh của họ, rằng bệnh không nghiêm trọng và họ sẽ sớm được xuất viện, để giúp bệnh nhân có tinh thần lạc quan hơn, giảm căng thẳng và lo lắng, hỗ trợ quá trình điều trị. Hay như một người mẹ nghèo, dù đói đến mệt mỏi, vẫn mỉm cười nói với con rằng "Mẹ ăn no rồi!" để nhường phần cơm còn lại cho con. Những lời nói dối này không mang mục đích xấu mà chỉ nhằm giảm bớt gánh nặng tâm lý cho người nghe.

Ngược lại, có nhiều lời nói dối mang mục đích không tốt. Ví dụ, một cậu bé nói dối cha mẹ để bỏ học đi chơi; học sinh chưa làm bài tập vì mải chơi nói dối là quên vở; một cô bé xin tiền mẹ nói dối là để học thêm nhưng thực chất là đi xem phim. Những lời nói dối này nhằm che đậy tội lỗi và đều có ý đồ xấu. Ngoài ra, còn có những lời nói dối trắng trợn nhằm đổi trắng thay đen, hãm hại và đẩy người khác vào đường cùng. Nói dối nhiều lần sẽ trở thành thói quen xấu, khó bỏ, làm cho người nói dối ngày càng dễ dàng lừa dối và tạo ra những hậu quả nghiêm trọng, gây hại cho bản thân và ảnh hưởng xấu đến người khác.

Tại sao nói dối có hại cho bản thân? Nói dối để che giấu sai lầm có thể giúp tránh được những tình huống bất lợi tức thời nhưng về lâu dài sẽ trở thành thói quen xấu, gây hại cho người nói dối. Người xưa có câu "Cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra", ý chỉ dù có che đậy kỹ càng đến đâu, sự thật sẽ lộ ra và khi đó người nói dối sẽ phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Người nói dối sẽ mất sự tin tưởng và tôn trọng từ người khác, và khi gặp khó khăn sẽ không nhận được sự giúp đỡ. Dần dần, họ sẽ bị cô lập và cảm thấy bất hạnh. Thêm vào đó, người nói dối sẽ luôn cảm thấy tội lỗi, dằn vặt, không yên ổn. Liệu chúng ta có thể sống yên tâm khi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không?

Đối với những lời nói dối mang tính chất trêu chọc, nhằm thỏa mãn thú vui cá nhân cũng rất nguy hiểm. Chắc hẳn bạn còn nhớ câu chuyện Cậu bé chăn cừu, cậu bé nói dối có sói để trêu chọc các bác nông dân, khiến họ vội vàng đến giúp cậu đuổi sói. Đến lần thứ ba, khi sói đến thật, không ai tin cậu và đàn cừu bị sói ăn hết. Từ đó, cậu bé không được mọi người tin tưởng nữa. Câu chuyện này khuyên rằng không nên nói dối vì một lần nói dối sẽ làm người khác mất niềm tin, và khi nói thật, họ cũng sẽ nghi ngờ.

Hầu hết những lời nói dối đều mang lại hậu quả nghiêm trọng và gây hại cho bản thân cũng như người khác. Chúng ta cần làm gì để không nói dối? Trước hết, cần nhận thức rõ ràng tác hại của việc nói dối và hậu quả xấu mà nó mang lại. Rèn luyện đức tính trung thực, ngay thẳng, không nói sai sự thật và không bịa chuyện nói xấu người khác. Tuy nhiên, cần sáng suốt, cân nhắc để ứng xử phù hợp với từng hoàn cảnh.

Như vậy, nói dối có hại cho bản thân là ý kiến vô cùng đúng đắn. Nói dối còn có hại cho người khác nữa, vì vậy chúng ta cần rèn luyện đức tính trung thực và lên án những hành vi dối trá để xây dựng cuộc sống tốt đẹp và văn minh hơn