Cảm nhận về chàng trai trong Hôm qua tát nước đầu đình

Dưới đây là các mẫu cảm nhận về nhân vật chàng trai trong bài ca dao “Tát nước đầu đình”. Đây là một trong những chủ đề quan trọng nằm trong chương trình sách Ngữ văn Cánh diều tập 1. Xin mời bạn đọc theo dõi bài viết sau.

1. Cảm nhận về chàng trai trong Hôm qua tát nước đầu đình hay:
Bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình” đã nói lên cảm xúc, tâm tư của một chàng trai muốn tỏ tình với người con gái mình yêu. Đây thực sự là một câu chuyện tình yêu trong sáng và nhẹ nhàng, khắc họa những cảm xúc ngượng ngùng và đáng yêu giữa một chàng trai và một cô gái.

“Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Nhặt được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà”

Chàng trai muốn tìm cách tiếp cận cô gái cách nhanh chóng nhưng phải làm sao cho vẫn thật tự nhiên và vui vẻ nên đã tìm ra một lý do hết sức hài hước và thú vị: Đó là để quên áo trên cành sen. Cây sen vốn không có cành, thậm chí cây sen nhỏ bé yếu đuối đến nỗi khó có thể treo được chiếc áo trên đó, nhưng qua giọng điệu của chàng trai, chúng ta có thể cảm nhận được sự hài hước, hóm hỉnh của chàng trai khi đưa ra lý do rất hài hước như vậy: hình ảnh liên quan đến cây sen, một hình ảnh đậm chất Việt Nam để làm quen với cô gái.

Hai câu tiếp theo thể hiện sự táo bạo của chàng trai khi tìm lại chiếc áo bị bỏ quên và thổ lộ tình cảm của mình. Chàng trai có lẽ biết cô gái không lấy áo của mình nhưng anh vì muốn làm quen cô mà tìm cớ để nói chuyện. Đây là một hành động tuy có phần táo bạo nhưng vẫn thể hiện sự tốt bụng, lịch sự và tôn trọng của chàng trai dành cho cô gái.

Qua bốn câu thơ trên, chúng ta thấy được sự bình dị, giản dị trong tình yêu đôi lứa, gắn liền với những hình ảnh rất quen thuộc của làng quê Việt Nam. Điều này càng tôn vinh vẻ đẹp của tình yêu chớm nở, sự ngượng ngùng, e thẹn của chàng trai và cô gái khi muốn tìm hiểu nhau.

“Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu

Áo anh sứt chỉ đã lâu

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng".

Ở bốn câu thơ sau, chúng ta thấy rõ mục đích mà chàng trai muốn bộc lộ với người con gái mình yêu. Cách trình bày thẳng thắn nhưng lại rất hợp lí hợp tính và tế nhị. Chàng trai muốn nói rằng anh chưa có vợ, mẹ anh đã già, anh muốn tìm người may áo cho anh, nói thẳng ra là muốn cô gái làm vợ anh. Điều quan trọng là anh chưa có vợ và mẹ anh đã già. Có thể nói đây là lời tỏ tình hết sức dũng cảm và chân thành.

Mặc dù chàng trai muốn nhanh chóng tiếp cận cô gái và tìm ra nhiều lý do khác nhau để làm quen với cô, nhưng cách anh ấy thể hiện vẫn rất đỗi tế nhị và kín đáo để cô gái không cảm thấy xấu hổ hay nếu cô gái từ chối lời tỏ tình. Có lẽ chàng trai đã có tình cảm với cô gái từ trước rồi nhưng phải đợi đến bây giờ mới được gặp cô,và lấy hết can đảm để thổ lộ với cô gái.

“Đến lúc lấy chồng anh sẽ giúp cho

Giúp cho một thúng xôi vò

Một con lợn béo một vò rượu tăm

Giúp cho đôi chiếu em nằm”

Nếu cô gái chịu giúp may chiếc áo bị “sứt chỉ đường tà”, chàng trai sẽ trả ơn cô gái bằng cách “Giúp cho một thúng xôi vò/Một con lợn béo một vò rượu tăm/ Giúp cho đôi chiếu em nằm” nếu như cô gái muốn lấy chồng.

Rõ ràng đây là những sính lễ thông thường mà chú rể thường mang đến nhà cô dâu trong các đám cưới thời xưa. Chúng ta ngầm hiểu rằng lời “giúp” của chàng trai có nghĩa là chàng trai sẽ mang những sính lễ này đến nhà cô gái để bày tỏ mong muốn được cưới cô gái về làm vợ. Nếu cô gái đồng ý thì hai người trở thành vợ chồng. Còn nếu cô gái muốn kết hôn với người khác thì chàng trai vẫn sẵn sàng giúp đỡ và chúc phúc cho cô ấy. Nhưng tất nhiên chúng ta hiểu theo ý đầu tiên thì hợp lý hơn. Chỉ cần cô gái chấp nhận lời tỏ tình và tình cảm của chàng trai, chàng trai,l sẽ luôn chung thủy và sẵn sàng cùng nhau xây dựng một gia đình vững chắc và hạnh phúc.

Qua bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình”, chúng ta có thể thấy những tình cảm vô cùng trong sáng, nồng nàn của người dân làng quê Việt Nam được thể hiện bằng những hình ảnh rất gần gũi, giản dị mà vô cùng đẹp đẽ.

2. Cảm nhận về chàng trai trong Hôm qua tát nước đầu đình sâu sắc:
Tình yêu luôn là một trong những chủ đề không bao giờ vơi cạn trong thơ ca, và ca dao dân ca cũng là một trong những phương tiện truyền tải tình cảm này. Trong bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình” chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của chàng trai dành cho cô gái.

Hai câu đầu của bài ca dao là một cách mượn lời tỏ tình của chàng trai với cô gái. Khung cảnh mà ca dao muốn truyền tải là đầu đình. Đó là một nơi thơ mộng và yên bình ở vùng quê. Đây cũng là nơi gặp gỡ để các cặp đôi thì thầm những lời tâm tình chân thành với nhau.

"Hôm qua tát nước đầu đình,

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.”

Đây cũng là câu chuyện về một chàng trai quên áo treo trên cành sen khi tạt nước ở đầu đình. Tuy nhiên, điều kì lạ ở đây là hoa sen không có cành. Nhưng đây cũng là cách thể hiện sự thanh tao và vẻ đẹp của hoa sen cũng như vẻ đẹp trong tình cảm xúc của mình. Và cũng từ đó, chàng trai mạnh dạn thổ lộ tình yêu ngây thơ, hồn nhiên của mình.

Dù là lời tỏ tình nhưng chàng trai lại thể hiện rất khéo léo và tinh tế. Chàng trai này mượn hình ảnh chiếc áo để bày tỏ tình cảm của mình mong muốn được cưới cô gái. Lúc này, chàng trai đã mượn hình ảnh chiếc áo rách, mẹ già chưa kịp khâu, tình trạng như vậy đã lâu vì anh chưa có vợ. Điều này cho thấy anh chàng này đã yêu thầm cô gái từ lâu nhưng đến bây giờ mới đủ can đảm để tỏ tình.

“Em được thì cho anh xin,

Hay là em để làm tin trong nhà?

Áo anh sứt chỉ đường tà,

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu.

Áo anh sứt chỉ đã lâu,

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.”

“Khâu rồi anh sẽ trả công." Chàng trai đã mạnh dạn bày tỏ. Điều này có nghĩa là nếu cô đồng ý thì anh sẽ hết lòng yêu thương chân thành và chung thủy với cô gái. Khi nào lấy chồng chàng trai sẽ đền đáp lại công lao. Lễ vật gồm có một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tằm và một tấm chiếu để cô gái nằm. Những gì chúng ta thấy ở đây chính là sính lễ cho ngày cưới. Nếu cô gái đồng ý nhận sính lễ thì có nghĩa là cô gái sẽ kết duyên với chàng trai. Còn nếu không kết duyên cùng thì cũng chúc phúc cho cô gái. Nhưng câu này chúng ta nên hiểu theo nghĩa ban đầu hơn.

“Khâu rồi anh sẽ trả công,

Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho:

Giúp cho một thúng xôi vò,

Một con lợn béo, một vò rượu tăm.

Giúp em đôi chiếu em nằm,

Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.

Giúp em quan tám tiền cheo,

Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.”

Thông qua bài ca dao “Tát nước đầu đình”, chúng ta cảm nhận được tình yêu hồn nhiên, trong sáng và đẹp đẽ của chàng trai dành cho cô gái. Và đây cũng là bài hát thổ lộ tâm tư tình cảm của chàng trai, thể hiện vẻ đẹp của tình yêu giữa một cặp đôi đầy lãng mạn sâu sắc.

3. Cảm nhận về chàng trai trong Hôm qua tát nước đầu đình ngắn gọn:
Người ta thường nói, lời nói đầu tiên bao giờ cũng khó khăn, đặc biệt là trong tình yêu. Nói một chữ yêu đã khó, bày tỏ tình cảm một cách chân thành mà không thô lỗ lại càng khó hơn. Nhưng như Xuân Diệu đã từng nói, tình yêu luôn khiến cho chúng ta mạnh mẽ và dũng cảm hơn. "Khi trong lòng đã có chút tình ý, người ta bỗng nhiên có những sáng kiến, ...". Và người đàn ông trong bài ca dao "Tát nước đầu đình” cũng vậy. Dường như tấm lòng chân thành, tràn đầy yêu thương chàng trai đã chạm đến trái tim của cô gái, khiến cô càng thêm ngượng ngùng, e thẹn và bối rối. Chàng trai nhìn thấy điều này và ngay lập tức thay đổi cách xưng hô từ "anh - em" thành "anh - cô ấy". "Cô ấy" là một đại từ phiếm chỉ và có thể nói về bất kỳ ai mà không cần chỉ thẳng vào người đối diện, điều này khiến cô gái cảm thấy cởi mở hơn, bớt ngại ngùng và dễ nói chuyện hơn. Chàng trai vẫn giữ được sự chân thành của mình trong câu chuyện với người con gái mình thương nhưng cũng không kém phần duyên dáng, lịch lãm và đáng yêu. Kết thúc câu ca dao, không biết cô gái có đồng ý với lời tỏ tình, sính lễ của chàng trai hay không. Tuy nhiên, sự chân thành và tinh tế của chàng trai chắc chắn sẽ khiến cho trái tim cô gái lay động. Nhân vật trữ tình chàng trai trong bài ca dao khiến chúng ta thực sự yêu mến nhờ sự hóm hỉnh, hài hước và thông minh của mình. Chắc chắn cô gái trong câu chuyện cũng cảm nhận được điều đó mà thuận lòng nên duyên với chàng trai.