Ngoại hối là gì? Phân biệt ngoại hối và ngoại tệ

Ngoại hối là thuật ngữ để chỉ tất cả những phương tiện thanh toán dùng trên thị trường quốc tế.

1. Ngoại hối là gì?

Có thể hiểu ngoại hối là tài sản, quyền tài sản đã được định giá, và được chuyển đổi thành tiền nước ngoài. Đồng thời phải được các quốc gia sử dụng làm phương thức thanh toán trong giao dịch quốc tế và được cộng đồng quốc tế chấp nhận.

Các hình thái của ngoại hối bao gồm:

Ngoại tệ: Đây là đồng tiền của nước ngoài, hoặc là đồng tiền chung giữa một nhóm những nước khác nhau trên toàn thế giới.

Công cụ thanh toán ngoại tệ: Đây là công cụ thanh toán ghi bằng tiền nước ngoài. Ví dụ như séc, thẻ ngân hàng, lệnh phiếu, hối phiếu, giấy chuyển ngân hàng,...

Những loại chứng từ có giá tương đương với ngoại tệ: Cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ.

Vàng: Có thể kể đến như vàng thỏi, vàng miếng, vàng nhà nước dự trữ, vàng khối và vàng của người cư trú ở nước ngoài.

Đồng tiền quốc gia (hay đồng bản tệ): Đồng tiền quốc gia hiện nay được chấp nhận là ngoại hối khi đồng tiền đó được sử dụng trong lĩnh vực thanh toán quốc tế. Hoặc xuất nhập khẩu ra bên ngoài phạm vi quốc gia.

Tiền mã hóa: Hay được gọi là đồng tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử. Đây là tiền được đảm bảo nhờ vào khả năng xử lý trong mạng lưới máy tính toàn cầu. Ví dụ như: Bitcoin, Ethereum,...

2. Phân biệt ngoại hối và ngoại tệ

Yếu tố

Ngoại hối

Ngoại tệ

Khái niệm

Ngoại hối là thuật ngữ để chỉ các phương tiện sử dụng trong giao dịch quốc tế.

Ngoại tệ là đồng tiền của nước này so với nước khác và nó có thể được chi trả một cách trực tiếp hoặc thông qua một đồng tiền của bên thứ ba trong thanh toán quốc tế.

Mỗi quốc gia đều sở hữu đồng tiền riêng lưu hành theo luật pháp riêng và đồng tiền không phải do ngân hàng trung ương của quốc gia đó phát hành đều được xem là ngoại tệ.

Bao gồm

Đồng tiền của các quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và các đồng tiền chung khác được chấp nhận sử dụng trong việc thanh toán quốc tế và trong khu vực.

Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ bao gồm séc, hối phiếu đòi nợ, thẻ thanh toán, hối phiếu nhận nợ cùng các phương tiện thanh toán khác.

Các loại giấy tờ sở hữu mức giá bằng ngoại tệ như: trái phiếu Chính phủ, kỳ phiếu, trái phiếu công ty, cổ phiếu cùng các loại giấy tờ có giá khác.

Vàng thuộc dự trữ trong ngoại hối nhà nước, tài khoản nước ngoài của người cư trú. Vàng dưới dạng khối, hạt, thỏi, miếng trong hoặc ngoài lãnh thổ của Việt Nam.

Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào, ra khỏi lãnh thổ của Việt Nam hoặc sử dụng trong thanh toán quốc tế.

Tiền giấy và tiền kim loại

Thị trường

Thị trường ngoại hối là nơi diễn ra những hoạt động mua bán và trao đổi ngoại hối chủ yếu là mua bán ngoại tệ cùng các phương tiện thanh toán quốc tế được phát hành bằng ngoại tệ.

Trung tâm của thị trường ngoại hối là thị trường liên ngân hàng. Quy tắc thông qua thị trường liên ngân hàng sẽ giúp cho mọi giao dịch mua bán ngoại hối được tiến hành một cách trực tiếp.

Thị trường ngoại tệ là nơi người tham gia từ khắp nơi trên thế giới dễ dàng trao đổi, mua bán, dự trữ, đầu tư với các loại tiền tệ khác nhau ở trên thế giới.

Hiểu một cách đơn giản rằng, ở đâu có sự trao đổi, mua bán và giao dịch tiền tệ thì ở đó xuất hiện thị trường ngoại tệ.

Giao dịch

Trong giao dịch ngoại hối, đồng tiền được bán, đổi lấy nhau. Trong đó tỉ giá thể hiện giá trị tương đối giữa hai đồng tiền.

Giao dịch ngoại tệ hay còn gọi là giao dịch hối đoái. Có thể được hiểu là giao dịch mua, bán ngoại tệ giao ngay; giao dịch mua, bán ngoại tệ có kỳ hạn; giao dịch hoán đổi ngoại tệ; giao dịch quyền chọn mua, bán ngoại tệ.