Lươn đồng xứ Nghệ: Thưởng thức một lần rồi nhớ mãi, cứ muốn quay trở lại

Hà Nhiên
Món lươn đồng Nghệ An không chỉ là câu chuyện vui đâu đó mà đang là một “thương hiệu mạnh” của một món ăn ngon, bổ dưỡng, nức tiếng trong nước và lan dần ra… thế giới.

Quê tôi có câu chuyện vui khá nhiều người biết. Một lãnh đạo cấp cao về thăm và hỏi “Nghệ An có đặc sản gì nổi bật?”, lãnh đạo địa phương đã trả lời hóm hỉnh: “Báo cáo, có hai đặc sản nức tiếng gần xa là bóng đá và cháo lươn ạ!”.
Vâng, đến Nghệ An hay nói về Nghệ An những năm gần đây, mà không nói về bóng đá hay cháo lươn/lươn cháo thì quả là… chưa đến, hay chưa biết về miền đất nắng nóng gió Lào này. Bài viết nhỏ này xin dành cho chuyện nuôi bắt, chế biến và món cháo/súp lươn đồng Nghệ An cùng “’âm vang” của món đặc sản mà nhiều người từng biết, từng thưởng thức một lần rồi mong có lần tiếp, tiếp theo...

Trước hết, con lươn đồng vốn có ở hầu hết các vùng quê đây đó. Ở Nghệ An, vùng đồng chiêm trũng/vựa lúa Yên Thành là “thủ phủ lươn đồng” bởi đồng đất sâu trũng nơi đây rất phù hợp với quá trình sinh sản và phát triển của loài lươn cũng như nhiều loài cá đồng khác.

anh-chup-man-hinh-2024-02-09-luc-102357-1707449050.png
 

Một đồng nghiệp của chúng tôi ở Nghệ An vốn là phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp, quen thuộc mọi đường đi lối lại, các con số, chỉ số ở huyện lúa từng “khoe” rằng, Yên Thành cứ mưa 200mm là ngập lụt ít nhất 400/12.500ha diện tích lúa.

Để thấy, nơi này là vùng trũng, vùng rốn nước, có nhiều bất lợi cho sản xuất và đời sống nhưng cũng có vô vàn thuận lợi, nếu biết cách chế ngự và khai thác tự nhiên. Chuyện con lươn đồng ở Yên Thành nói lên cụ thể điều đó.

Trải qua nhiều năm tháng lăn lộn, mày mò, học hỏi, người dân Yên Thành tự hình thành nên 3 cách bắt lươn đồng phổ biến, tuyệt nhiên không phải cách “tát cạn, bới bùn để bắt kiệt” rất tốn sức và không hiệu quả như ở nhiều nơi. Đó là độc chiêu tìm “mà” lươn dọc theo bờ ruộng lúa, ao đầm rồi khéo léo lần tìm, túm được đầu lươn cho nhanh vào giỏ.

Đó là câu lươn bằng lưỡi mồi như câu cá, búng nước gọi lươn hoặc đặt mồi ngay trước “mà” chờ lươn ăn mồi rồi giật nhanh như giật cá. Cách thứ 3 phổ biến nhất là đặt trúm với mồi hàng đêm, sáng ra thu trúm…