Chỉ số tài chính toàn diện là gì? Các thành phần tính chỉ số tài chính toàn diện - IFI

Khái niệm về tài chính toàn diện? Chỉ số tài chính toàn diện? Các thành phần tính chỉ số tài chính toàn diện - IFI?

Việc thúc đẩy một hệ thống tài chính toàn diện là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu hiện nay ở Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia khác trên thế giới nói chung. Mặc dù tầm quan trọng của tài chính toàn diện trong những năm gần đây đã được thừa nhận rộng rãi, tuy nhiên thì việc nghiên cứu mối quan hệ của rài chính toàn diện với các nhân tố kinh tế - xã hội vẫn còn rất hạn chế. Vấn đề đo lường tài chính toàn diện cũng luôn rất được quan tâm.

1. Khái niệm về tài chính toàn diện:

Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước ta đã chỉ ra những lợi ích quan trọng về mặt kinh tế - xã hội như giảm chênh lệch thu nhập, giảm bất bình đẳng xã hội, thúc đẩy phát triển và tăng cường ổn định tài chính ở mỗi quốc gia mà tài chính toàn diện mang lại.

Vai trò của tài chính toàn diện cũng đặc biệt được chú trọng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với sự ra đời của Liên minh tài chính toàn diện nhằm mục đích chính là để liên kết các quốc gia trên thế giới để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy chính sách tài chính toàn diện.

Vai trò của tài chính toàn diện có thể được khái quát như sau:

- Thứ nhất, tài chính toàn diện giúp thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế, thông qua việc tạo điều kiện phân bổ hiệu quả các nguồn lực sản xuất.

- Thứ hai, tài chính toàn diện giúp thúc đẩy giáo dục tài chính đặc biệt là đối với nhóm người có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương do thiếu kỹ năng quản lý dòng tiền

- Thứ ba, tài chính toàn diện đã làm giảm sự tăng trưởng của các nguồn tín dụng phi chính thức (như là tín dụng đen) tốn kém và đầy rủi ro.

Tại Việt Nam, dù khái niệm tài chính toàn diện có vẻ mới du nhập vào nhưng nhiều chính sách, chương trình, giải pháp của Chính phủ nhằm mục đích để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân có thể tiếp cận được thị trường tài chính chính thức đã được triển khai từ những năm trước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, các đối tượng chính sách, các doanh nghiệp nhỏ.

Hiện nay, Chính phủ nước ta đang trong quá trình xây dựng Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia, làm cơ sở để triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả các trụ cột của tài chính toàn diện. Mặc dù ý nghĩa của việc xây dựng một Hệ thống Tài chính toàn diện được công nhận rộng rãi trong cả giới khoa học lẫn những người làm chính sách, những nghiên cứu cho thấy khả năng thúc đẩy quá trình giảm nghèo bền vững của tài chính toàn diện ở Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt trong điều kiện các số liệu về Tài chính toàn diện rất khó thu thập.

Một trong những khái niệm về tài chính toàn diện xuất hiện sớm nhất là của Leyshon vào năm 1995. Theo Leyshon thì tài chính toàn diện được hiểu là quá trình một số nhóm xã hội và cá nhân nhất định được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức.

Theo Sarma vào năm 2011 nhìn nhận tài chính toàn diện như một quá trình đảm bảo về sự dễ dàng tiếp cận, tính khả dụng và sử dụng của hệ thống tài chính chính thức cho tất cả các thành viên của nền kinh tế. Định nghĩa này cũng đã nhấn mạnh một số khía cạnh của tài chính toàn diện, hiểu một cách đơn giản là, khả năng tiếp cận, tính khả dụng và sử dụng hệ thống tài chính. Một quan điểm khác, tài chính toàn diện hiện nay cúng được hiểu là khả năng tiếp cận dịch vụ và sản phẩm tài chính phù hợp.

Demirgüç-Kunt vào năm 2015 cũng đã định nghĩa về tài chính toàn diện như sau: Ta hiểu tài chính toàn diện chính là việc cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi thành viên xã hội với mức chi phí hợp lý, thông qua những cách thức thuận tiện, phù hợp với tiêu chuẩn/điều kiện của các chủ thể là khách hàng. Các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng đáp ứng được nhu cầu của họ trong giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm.

Tại Việt Nam, khái niệm tài chính toàn diện được nêu trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030 như sau: Tài chính toàn diện được hiểu là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một các có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Từ các quan điểm được nêu cụ thể bên trên đã cho thấy tài chính toàn diện có những tính chất đa chiều, tài chính toàn diện cũng đã mang đến cho người dân các dịch vụ tài chính chất lượng một cách thuận tiện, mở rộng khả năng tiếp cận cho tất cả các tầng lớp dân cư, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp.

Như vậy, ta có thể thấy, tài chính toàn diện có ba khía cạnh là tiếp cận, sử dụng, chất lượng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cảu các nhà nghiên cứu cũng cho thấy tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng mà còn nâng cao hiểu biết về tài chính của người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Việc triển khai tài chính toàn diện giúp cho tất cả mọi người có quyền truy cập, sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, tiện lợi, nhanh chóng ở mức chi phí thấp nhất.

2. Chỉ số tài chính toàn diện:

Từ các nghiên cứu nói trên, ta có các nhìn khái quát về tài chính toàn diện. Tài chính toàn diện được hiểu cơ bản là việc các dịch vụ tài chính chính thức (tài khoản ngân hàng, tiết kiệm và tín dụng) được cung cấp tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện, chi phí hợp lý và phù hợp với nhu cầu.

Khái niệm chỉ số tài chính toàn diện:

Theo Sarma (2015) định nghĩa thì chỉ số tài chính toàn diện chính là một thước đo nhằm mục đích thể hiện tất cả các khía cạnh khác nhau của hệ thống tài chính một quốc gia, cụ thể đó chính là: sự thâm nhập (penetration); sự thuận tiện (availability) và mức độ sử dụng (usage).

Việc các chủ thể sử dụng kết hợp các chỉ tiêu vi mô liên quan đến tài chính cá nhân và các chỉ tiêu vĩ mô để đo lường chỉ số tài chính toàn diện sẽ góp phần phản ánh đầy đủ các khía cạnh khác nhau của tài chính toàn diện.

Chỉ số tài chính toàn diện trong tiếng Anh được gọi là gì?

Chỉ số tài chính toàn diện trong tiếng Anh được gọi là Index of Financial Inclusion - IFI.

Công thức tính chỉ số tài chính toàn diện:

Vấn đề đo lường tài chính toàn diện sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta định nghĩa tài chính toàn diện là gì. Trong một số nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã đưa ra cách xác định chỉ số Tài chính toàn diện dựa trên các nhân tố tác động đến nó.

Giá trị IFI càng cao thì việc tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức của dân chúng càng cao.

Sarma đã cung cấp một công cụ để đo chỉ số tài chính toàn diện bằng cách xem xét ba yếu tố cơ bản của một hệ thống tài chính bao gồm: Sự thâm nhập của hệ thống ngân hàng; tính sẵn có của các dịch vụ ngân hàng và mức độ sử dụng hệ thống ngân hàng.

Chúng ta sẽ thông qua việc sử dụng cách tiếp cận của Sarma để thực hiện đo lường chỉ số Tài chính toàn diện của Việt Nam và so sánh với một số quốc gia khác trong khu vực. Theo đó, để có thể tính toán chỉ số tài chính toàn diện, trước tiên cần phải xây dựng các chỉ số thành phần của tài chính toàn diện, bao gồm: chỉ số tiếp cận, chỉ số sẵn có và chỉ số sử dụng. Các chỉ số thành phần này được tính theo công thức chung như sau:

di = wi x (Ai - mi/Mi - mi).

Trong đó:

wi: tỷ trọng của thành phần thứ i (0 ≤ wi ≤ 1).

Ai: giá trị thực tế của thành phần thứ i.

mi: giá trị thấp nhất của thành phần thứ i.

Mi: giá trị cao nhất của thành phần thứ i.

Công thức này cho thấy giá trị của di luôn nằm trong khoảng [0, wi].

3. Các thành phần tính chỉ số tài chính toàn diện - IFI:

Các thành phần tính chỉ số tài chính toàn diện - IFI bao gồm:

- Thành phần 1: Mức độ thâm nhập của hệ thống ngân hàng (chỉ số tiếp cận - accessibility): Thành phần này sẽ cho biết mức độ cụ thể mà những người dân có thể tiếp cận được hệ thống ngân hàng, theo đó số lượng các chủ thể là những người sử dụng các dịch vụ ngân hàng càng nhiều thì khả năng tiếp cận tài chính sẽ càng cao. Thành phần mức độ thâm nhập của hệ thống ngân hàng cũng sẽ được đo bằng số tài khoản ngân hàng trên 1.000 chủ thể là người trưởng thành và được gán trọng số là 1 vì sự thâm nhập của hệ thống ngân hàng được coi là yếu tố cơ bản đầu tiên của tài chính toàn diện.

- Thành phần 2: Tính sẵn có của sản phẩm và dịch vụ ngân hàng (chỉ số sẵn có - availability): Thành phần này sẽ cho biết mức độ thuận tiện của việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng của người sử dụng. Hai yếu tố được sử dụng để đo thành phần này bao gồm: số lượng máy ATM và số lượng chi nhánh ngân hàng trên 100.000 chủ thể là người trưởng thành. Trong đó tỷ trọng của chi nhánh ngân hàng là 2/3 và tỷ trọng của số lượng ATM là 1/3. Thành phần này sẽ có trọng số cụ thể được xác định là là 0,5.

- Thành phần 3: Mức độ sử dụng hệ thống ngân hàng (chỉ số sử dụng - usage): Thành phần này sẽ cho biết mức độ người dân có thể sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của hệ thống ngân hàng. Theo đó, nếu chỉ dừng lại ở việc có tài khoản ngân hàng nhưng vì nhiều lý do khác nhau người dùng không thể sử dụng các sản phẩm và dịch vụ do ngân hàng cung cấp (như cho vay, gửi tiền, thanh toán…) thì tính toàn diện của hệ thống tài chính mất đi ý nghĩa của nó. Với điều kiện các số liệu có thể thu thập được, tác giả sẽ sử dụng tỷ lệ tín dụng và tiền gửi trên hệ thống ngân hàng thương mại theo GDP của quốc gia để nhằm mục đích đo lường thành phần này. Trọng số của thành phần 3 là 0,5.

Thích

Bình luận