Bản sắc là hành trang - tôn vinh nét đẹp văn hoá dân tộc

Bản sắc là hành trang

Thế giới ngày càng phát triển đặt ra nhiều yêu cầu, nhưng cần hội nhập mà không hòa tan. Đặc biệt, chúng ta phải giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam để tạo ra những nét độc đáo riêng cho dân tộc. Tiêu biểu như tiếng Việt, trống đồng, tượng chùa Tây Phương, và kho tàng dân ca... Bản sắc văn hóa giúp cho bạn bè thế giới ngưỡng mộ, gây chú ý đặc biệt trong tâm thức, tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ... Vì vậy, giữ gìn bản sắc văn hóa là phương châm và hành động của mỗi cá nhân.

Trong văn bản “Bản sắc là hành trang”, tác giả đã nêu ra nhiều biểu hiện của bản sắc dân tộc Việt Nam như: tiếng Việt - ngôn ngữ do cha ông để lại và được chia sẻ bởi các cộng đồng dân tộc Việt Nam; trống đồng; tượng chùa Tây Phương; kho tàng dân ca; kho tàng văn học nghệ thuật, trong đó tiêu biểu là Truyện Kiều; hệ thống giá trị bao gồm tình yêu quê hương xứ sở và đời sống tâm linh phong phú với việc thờ cúng tổ tiên theo cách riêng... Những biểu hiện này thể hiện những nét đặc trưng về văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc ta. Qua đó, tác giả muốn khẳng định rằng dân tộc Việt Nam có bản sắc văn hóa độc đáo. Có thể nêu thêm các biểu hiện khác như: tục ăn trầu, cưới hỏi; Tết đoàn viên; các lễ hội dân gian (hội Lim, hội Gióng, lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên...); các làn điệu dân ca (quan họ Bắc Ninh, hát xoan, hát xẩm...); chùa Một Cột, Thánh địa Mỹ Sơn...

Văn bản “Bản sắc là hành trang” là một văn bản nghị luận nhằm tôn vinh những nét đặc sắc trong bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh việc tiếp thu văn hóa, hội nhập và toàn cầu hóa, chúng ta vẫn phải giữ được những nét riêng biệt, giữ gìn bản sắc riêng cho dân tộc là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.