Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, thấp nhất lịch sử

Lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục giảm mạnh trong tháng 12/2023, xuống mức thấp nhất lịch sử.

lai-suat-ngan-hang-1702383459.jpg

Lãi suất tiết kiệm thấp chưa từng có

Theo khảo sát lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng tại Vietcombank hiện chỉ ở mức 2,2%/năm. Nhiều ngân hàng tư nhân cũng niêm yết mức lãi suất ở mức thấp.

Cụ thể, tại ABBank, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm mạnh 0,5% chỉ còn 3,2%/năm và 3,3%/năm. Kỳ hạn 3 -5 tháng cùng giảm 0,4% còn 3,5%/năm. Với kỳ hạn 7 tháng, lãi suất tiền gửi giảm 0,2% còn 5%/năm, 8 tháng giảm 0,3% còn 4,9%/năm, 9 - 11 tháng giảm 0,4% còn 4,5%/năm.

Techcombank vừa công bố biểu lãi suất huy động áp dụng từ 4/12. Với khách hàng thông thường, nếu gửi kỳ hạn 1 tháng, lãi suất chỉ còn 3,25%/năm, kỳ hạn 6 tháng lãi suất còn 4,65%/năm. Kỳ hạn 12 tháng lãi suất còn 4,85%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất áp dụng tại Techcombank.

Ở các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Sacombank..., lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ còn 5,4 - 5,9%/năm. Đáng chú ý, ACB hiện chỉ niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,9%, thấp hơn cả nhóm Big4.

Như vậy, so với đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đã giảm một nửa.

Dù lãi suất giảm mạnh, nhưng người dân vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng trong suốt 13 tháng qua. Tính đến cuối tháng 9/2023, tiền gửi của người dân vào ngân hàng đạt hơn 6,44 triệu tỷ đồng.

Không chỉ người dân, các tổ chức cũng tăng gửi tiền vào ngân hàng. Tính đến cuối tháng 9/2023, lượng tiền đạt hơn 6,23 triệu tỷ đồng, tăng đột biến tới 217.353 tỷ đồng so với cuối tháng 8.

Dù lãi suất giảm mạnh, nhưng người dân vẫn chọn gửi tiền vì hiện các kênh đầu tư khác khá rủi ro, bất động sản đóng băng, do vậy tiết kiệm vẫn là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi.

Trong khi đó, dù lãi suất tiết kiệm giảm kỷ lục, nhưng lãi suất cho vay ra vẫn còn cao. Nhiều ngân hàng cho vay vẫn duy trì mức trên 10%/năm trung và dài hạn. Việc lãi suất cho vay cao là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm. Đến 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm.