Việt Nam xuất khẩu vượt khó, xuất siêu năm thứ 8, thặng dư kỷ lục 26 tỷ USD

Cán cân thương mại Việt Nam tiếp tục xuất siêu trong năm thứ 8 liên tiếp, với thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022.
xuat-sieu-1703247227.jpg

Thị trường xuất khẩu tiếp tục đa dạng hóa, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và EU

Năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 354,5 tỷ USD, giảm 4,6% so với năm 2022. Tuy nhiên, đây là mức giảm thấp hơn so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng so với cùng kỳ năm trước. Mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Hàn Quốc cũng được thu hẹp.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nỗ lực để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, với mức giảm xuất khẩu chỉ 0,9% trong năm 2023.

12-1703247547.png

Nhập khẩu giảm mạnh, thặng dư thương mại kỷ lục

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 328,5 tỷ USD, giảm 10,8% so với năm 2022. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Chi nhập khẩu các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm mạnh, như: Điện thoại các loại và linh kiện ước giảm 57,4% so với năm 2022; thép các loại giảm 17,8%; vải các loại giảm 12,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 8,1%; chất dẻo nguyên liệu giảm 20,1%; hóa chất ước giảm 17,4%...

Thặng dư thương mại của Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 26 tỷ USD, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2022. Đây là mức thặng dư kỷ lục trong lịch sử xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Dự báo thị trường xuất nhập khẩu năm 2024

Bộ Công Thương nhận định, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 còn lớn. Trong đó, kênh thương mại quốc tế khi nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu.

Để đạt các mục tiêu của năm 2024, Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam. Nâng tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.