1 đêm kinh hoàng ở Old Trafford. Wan-Bissaka chẳng dám sút bóng trước cơ hội ghi bàn mười mươi, Casemiro tiếp tục cho thấy sự lão hóa của bản thân, Hojlund lại bị các đồng đội “bơ” khi ít được nhận bóng, Antony ghi bàn nhưng phung phí và một Onana với vai diễn “hài” tiếp tục khiến MU khổ sở….
Còn Ten Hag, ông vẫn biện minh cho việc MU mất điểm, MU chơi tệ bằng việc chưa bao giờ có đội hình tối ưu, lịch thi đấu, cầu thủ chấn thương, sai lầm của trọng tài và chốt lại bằng việc nhận trách nhiệm về kết quả không tốt của CLB và rồi…để đó.
2 mùa giải của HLV Erik Ten Hag với MU là 2 thái cực trái ngược. Mùa đầu tiên, nhà cầm quân người Hà Lan gặt hái thành công không nhỏ. Danh hiệu Cúp Liên đoàn để chấm dứt 5 năm trắng tay và top 4 Ngoại hạng Anh là những cột mốc đủ đáp ứng yêu cầu của BLĐ. Nhưng chưa hết, người ta thấy đó bóng dáng của một vị thuyền trưởng uy quyền, mạnh mẽ.
Việc kết thúc giao kèo với một Cristiano Ronaldo hay gây ra sóng gió trong phòng thay đồ cho thấy sự quyết đoán của Ten Hag – thứ mà rất lâu rồi, MU không có kể cả khi còn được dẫn dắt bởi Louis van Gaal, Jose Mourinho, Solsa hay Rangnick. Một “lão trọc” – như biệt danh các fan hay gọi ông mang lại nhiều hy vọng từ các fan. Họ mong rằng, Ten Hag thực sự sẽ nâng tầm MU như cách Pep Guardiola đã và đang làm tại Man City.
Chỉ là mùa giải thứ 2 của Ten Hag đang diễn ra tệ theo cách người ta chẳng thể ngờ tới. BLĐ vẫn chi đậm để mua người theo ý ông dù cho họ như đi “cho tiền” đối tác ở các vụ mua Onana, Hojlund từ Mount. Nói đơn giản, MU mua người đắt hơn cái giá trị thực. Còn việc MU cứ mua là bị ép giá đã trở thành chuyện thường ở huyện từ nhiều năm qua. Chính xác hơn là từ ngày Sir Alex Ferguson giải nghệ.
Có được đội hình làm nên thành công từ mùa trước và có sự bổ sung khá đều ở 3 tuyến nhưng MU lại bắt đầu mùa giải theo cách rất tệ. Họ nhanh chóng bị văng khỏi top 4 Ngoại hạng Anh, bị loại ngay từ vòng bảng Champions League với vị trí cuối cùng, hàng loạt vấn đề tồn đọng không thể giải quyết cùng một lối chơi quá ít điểm nhấn.
Xem MU bây giờ, hoặc là không đặt nặng thành tích hoặc khi bạn cần…giải trí. Nói xem MU để lấy lại năng lượng tích cực thì hơi quá nhưng để vui thì được. Chỉ là nghe thế thật đau lòng nhưng nó hoàn toàn chính xác là như thế nếu chiếu theo những gì mà dàn sao CLB này đã và đang thể hiện. Xưa có “diễn viên” Mắc Hài (ám chỉ Maguire) thì giờ có nghệ sỹ của công chúng Olala (ám chỉ Onana).
Onana có 1 giai đoạn chơi cực hay và làm người ta quên đi rằng, anh từng mắc vô số sai lầm khiến CLB mất điểm 1 cách đáng tiếc. Đến 2 trận gần nhất khi MU thắng Sheffield United và hòa Burnley, anh đều “tặng” bàn thắng theo cách rất riêng cho đối thủ. Nào thì chuyền bóng thẳng vào chân họ và sau đó thì phạm lỗi khiến đội nhà mất điểm từ chấm 11m.
Trên mạng xã hội, chắc chắn không dưới 10 lần, fan MU bảo nhớ De Gea. Không thể phủ nhận Onana là 1 thủ môn giỏi nhưng anh lại đang tự làm khó bản thân vì những sai sót không đáng có. Lỗi của Onana 10 thì Ten Hag xứng đáng phải 9 bởi ông đòi mua bằng được. Hơn nữa khi Onana mắc lỗi, Ten Hag bênh và hứa sẽ giúp anh sửa chữa. Nhưng được thời gian, Onana lại sai sót. Vậy lỗi của Ten Hag hay vì Onana kém thật?
Để MU đang khổ sở trong việc cạnh tranh suất dự Europa League và thậm chí là UEFA Europa Conference League thì trách nhiệm của HLV Ten Hag không nhỏ. Nếu ở trong 1 tổ chức, Ten Hag sẽ bị quy tội không hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng bị sa thải từ lâu rồi. Nhà cầm quân người Hà Lan không xây dựng được cho Quỷ đỏ một lối chơi thực sự đặc thù. MU chơi pressing nửa mùa, phòng ngự phản công nửa mùa…hoàn toàn ngược so với Arsenal, Man City hay Liverpool.
Thêm nữa, cách quản quân của cựu thuyền trưởng Ajax thực sự có vấn đề. Từ Ronaldo đến Sancho, sau này cả Garnacho rồi Rashford, nhiều học trò tỏ rõ sự bất phục với vị HLV 54 tuổi. Không chỉ cách tập luyện mà đến cách thay người của Ten Hag.
Mùa trước, ông được khen ngợi vì thay người chuẩn xác và giúp MU có được những kết quả ấn tượng. Thậm chí, có giai đoạn họ còn “tái hiện” những bàn thắng ở phút bù giờ đã làm nên thương hiệu của Quỷ đỏ. Giờ thì ngược lại, MU không thủng lưới phút cuối hoặc phút bù giờ là may lắm rồi.
Trên sân Wembley cách đây mấy ngày, ai cũng thấy Sir Jim Ratcliffe và các thành viên trong BLĐ CLB tím mặt khi thấy MU phải dùng tới loạt sút luân lưu để thắng Coventry. Họ dẫn trước 3-0 rồi hòa 3-3 trong 20 phút còn lại của hiệp 2. Chẳng ai hiểu đẳng cấp và thương hiệu MU ở đâu. Chỉ thấy MU thảm họa mà thôi.
Giờ thì, MU còn cơ hội để có được 1 danh hiệu nhưng gặp Man City ở chung kết FA Cup, liệu Ten Hag có thể làm được điều gì đó “thần kỳ”. Giả dụ ông đem được danh hiệu FA Cup về phòng truyền thống sân Old Trafford, vẫn có những hy vọng cho nhà cầm quân người Hà Lan.
Theo đánh giá của chuyên gia Samuel Luckhurst trên Manchester Evening News, HLV Ten Hag vẫn xứng đáng để chờ đợi ở mùa giải 2024/25. Đầu tiên, theo quan điểm của Luckhurst thì một phần lý do quan trọng khiến MU sa sút đến thế, đó là bởi cơn bão chấn thương tàn phá đội hình.
Giai đoạn đầu năm 2024, MU từng trải qua chuỗi 7 trận bất bại, thắng đến 6 trận trong số đó. Đó cũng là thời điểm trong tay HLV Ten Hag có lực lượng tốt nhất dù chưa đầy đủ nhất. Điều đó có nghĩa, nếu MU đầy đủ nhân sự và có được sự phục vụ của các tân binh chất lượng, họ hoàn toàn có thể “khủng khiếp” hơn.
Hơn nữa, HLV Ten Hag cho thấy thật sự mát tay với các cầu thủ trẻ. Những cái tên như Rasmus Hojlund, Kobbie Mainoo, Kambwala hay Alejandro Garnacho thực sự đang tỏa sáng. Họ chính là niềm hi vọng và tương lai của CLB. Mọi thứ phụ thuộc vào “con tính” của Sir Jim Ratcliffe. Nếu ông thấy cần sa thải Ten Hag thì điều đó không sai nhưng trường hợp Sir Jim Ratcliffe thấy rằng nên thêm cơ hội cho cựu thuyền trưởng Ajax, người ta cũng sẽ không thấy ngạc nhiên. Ngay cả khi như thế, MU cũng sẽ phải chuẩn bị cho mình 1 phương án B.
Link nội dung: https://songlamplus.vn/mu-nen-sa-thai-ten-hag-a16534.html